Thursday, December 29, 2016

Có tội hay không có tội ? Lệ Hoa Wilson



Một truyện ngắn về tôn giáo rất hay và dí dỏm: Có tội hay không có tội?
"Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, Nó đến từ chính hành động của bạn.
Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản. tín ngưỡng của tôi là lòng tốt...."
Đức Đạt Lai Lạt Ma
***

Tôi thật không biết phải bắt đầu từ đâu để câu chuyện đời lộn xộn của mình có được một chút ngăn nắp để bạn hiểu tôi hơn. Thôi thì bắt đầu vào một ngày nắng đẹp, tôi bước ra khỏi toà án Saigon với cái giấy ly dị trên tay. Tôi có một trai và một gái và quan toà đã rộng lượng xử cho tôi được trọn quyền giữ cả hai với điều kiện là không nhận được chu cấp từ người chồng. Tôi hoan hô quan toà cả hai tay. Đó là năm 1969.
Bà chị tôi có hãng thầu cung cấp dịch vụ hớt tóc, giặt quần áo, bán hàng kỷ niệm cho quân nhân Mỹ tại Việt Nam và hàng ngàn xe đá để hãng RMK làm phi trường. Đó là một công cuộc làm ăn lớn lao có tới vài trăm nhân viên nên chị nhận cho tôi theo làm để nuôi con. Do đó tôi gặp Ron, người chồng hiện tại.
Bạn ơi, không biết tôi đã tốn bao nhiêu nước mắt cho cuộc hôn nhân nầy. Không biết tôi đã nhận được bao nhiêu lời sỉ nhục khi đi sánh đôi với người chồng  Mỹ tại Việt Nam. Nếu phải đếm hết những danh từ thô bỉ, những ánh mắt chê bai,  những  đối xử khinh bạc của bạn bè, của những người quen biết cho đến những kẻ qua đường vì tôi "lấy Mỹ" thì chắc tôi phải biến thành con rết khổng lồ với cả ngàn chân tay mới đếm hết nổi. Thôi thì chẳng qua là cái nghiệp. Chắc mình đã dè bỉu, chê bai bao nhiêu là người ở những kiếp trước nên kiếp nầy nhận lại "gậy ông đập  lưng ông" thôi mà.
Mỗi lần bị "tai nạn" như vậy, tôi giả vờ phớt tỉnh. Những dòng nước mắt tủi hổ cứ chực tràn ra. Ông xã cứ hỏi là "họ nói gì vậy?", tôi thì cứ  ai biết đâu, họ dùng danh từ em không hiểu!". Nhưng ông xã thì biết vì anh có rất nhiều nhân viên Việt Nam làm việc cho anh và chắc họ đã giải nghĩa cho anh hiểu địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội khi họ vô phước kết hôn với ngươì Mỹ.
Sau khi anh hiểu được, tôi không bao giờ quên được ánh mắt của anh nhìn tôi trong những lần "tai nạn" đó. Đôi mắt anh chứa đầy những biết ơn, những chia xẻ, những đau thương, những căm giận, những cảm thông.. Anh cầm tay tôi nói: "Thật là không công bình cho em. Anh rất biết ơn em. Sự chịu đựng những nỗi nhục nhằn của em làm tan nát tim anh.  Anh cảm thấy không xứng đáng với sự hy sinh của em." Tôi chỉ nói nhỏ: "Cả hai, em và họ đều là nạn nhân, mỗi người mỗi cách. Có phải chúng ta đã hứa là sẽ cùng chung chịu những niềm vui và nỗi khổ trên đời không? Vậy đó không phải là sự hy sinh. Đó chỉ là sự chia xẻ."
Và tôi đã sát cánh cùng anh nổi, chìm trong cõi ta bà, trong nụ cười khi gia đình xum họp,  trong nuớc mắt khi một đứa con sớm vội ra đi, trong thành công, trong thất bại suốt bốn chục năm qua.
Rồi Trời Đất nổi cơn gió bụi. Năm 1975 tôi dắt díu các con qua Mỹ sống tại California.  Bà mẹ chồng ở tận Boston qua CA thăm cháu nội và dâu lần đầu tiên.
Mẹ ruột kẹt lại quê nhà, mẹ chồng ở kề cận, thôi thì hãy vui với hiện tại và những gì mình có. Gạo trồng ở Việt Nam hay trồng ở Mỹ thì cũng nấu thành cơm. Mẹ ruột hay mẹ chồng thì người đàn bà đó cũng đã thương yêu và dưỡng nuôi người mình yêu dấu. Bà hỏi chớ các cháu đã được rửa tội chưa? Tôi nói ngắn gọn "Dạ chưa. Con đạo Phật." Bà mỉm cười không nói gì và không bao giờ nhắc lại.
Hình như người Mỹ có tâm hồn rộng rãi hơn. Bà thường hay lục lọi và gởi về cho cháu nội những quyển thánh kinh rất cũ của gia đình. Tôi nhận và trân trọng giao lại cho các con. Mẹ chồng gần với con dâu hơn người con ruột.
Thời gian qua, một hôm thằng con cả báo cho mẹ biết là nó muốn cưới vợ. Mình đã già rồi mà không hay bạn ơi. Khi nghe con trình bày mọi điều, bà chị la làng chói lói. Trời ơi, nó là con trai lớn nhất mà theo đạo Chúa thì lấy ai mà thờ phượng em?  Bạn ơi, bạn nghĩ sao? To be or not to be? Nói Yes, con cứ tiếp tục lo hôn lễ hay nói No, No Way.
Hừm, thờ phượng là nó sẽ nhớ tới ngày mình theo Phật, mua một mâm đủ cả heo quay, gà vịt, có cả bia rượu, bưng lên bàn thờ để một tiếng đồng hồ rồi dọn xuống mời bạn nhậu? Hay là nó cúng mâm chay nhưng lại không ăn? Hay là nó tới chùa nhờ thầy đọc một thời kinh? Thầy lo  đọc, nó lo nhớ tới cái đầu gối hơi đau vì quì lâu! Hay nó dọn một cái bàn thờ trong nhà, chưng cái hình mình lên. Có ai đó hỏi con nó trưng hình của ai vậy thì thằng cháu nội nhìn hình và nói "I don't know" !
Chỉ còn cách hỏi nó.
Cô đó hiền không? Dạ hiền. Cô đó giỏi không? Dạ giỏi. Cô đó thích săn sóc con cái, nhà cửa không? Dạ thích. Cô đó thương con không? Dạ thương. Vậy thì Yes, con ơi, Yes. Mẹ chỉ cần thấy con được hạnh phúc, an vui. Mẹ tin vào sự khôn ngoan và lựa chọn của con. (Cho con học bao lâu chắc con không ngu đâu, phải không?).
Vợ chồng con thương yêu nhau và tử tế với Mẹ khi Mẹ còn sống là con đã "thờ phượng" Mẹ rồi. Trong con đã có dòng máu của Mẹ. Con làm một người chồng tốt, một người cha tốt, một con người tốt là con thờ phượng Mẹ đó, phải không? Bạn ơi, bạn có thấy tôi quá "văn minh" không?   Quá... quá... tiếng gì hả mà người Mỹ thường hay chỉ mấy ông nghị viên trong đảng dân chủ đó? À à, quá "liberal" không?
Vậy là tôi có hai thằng con theo đạo Chúa của vợ và năm đứa cháu nội biết Phật là Budha chớ chẳng biết Nam Mô. Quên cho bạn hay là tôi đã không rửa tội hoặc bắt các con theo đạo nào hết. Tôi để cho chúng tự do chọn lựa khi chúng đến tuổi trưởng thành (hoặc "được" vợ dẫn dắt). Tuy nhiên tôi cũng thường đem các con đi chùa khi chúng còn nhỏ và mỗi khi tết tôi đều dạy chúng lạy bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Phải lạy bàn thờ.  Đó là điều kiện duy nhứt tôi đòi hỏi gia đình các xuôi gia trong ngày cưới, dù họ là đạo nào. Tôi kính trọng tất cả các đấng dẫn dắt linh hồn.
Mỗi khi gia đình tụ họp tại nhà thằng con cả, nhằm ngày ăn chay, tôi luôn có ít nhứt một món chay rất ngon do con dâu Công giáo nấu. Tôi biết ơn chúa Jesus quá đỗi vì con dân của Ngài quả là một người đầu bếp giỏi và là một đứa con dâu rất  hiếu thảo.
Thế là tôi trở thành minority, có nghĩa  là thiểu số trong gia đình tôi. Ông xã, hai thằng con, hai cô dâu, năm đứa cháu nội, tất cả là mười người con Chúa. Một đứa con gái và chồng cùng ba đứa con tin tưởng cả Phật lẫn Chúa. Ngày lễ Giáng Sinh và cuối tuần thằng cháu ngoại mười hai tuổi đi đờn violin trong nhà thờ.  Khi về nhà ngoại thì vô lạy Phật và... ngồi thiền!
Thằng con út thì , bạn có thể gọi nó là người vô tôn giáo, khuyên các cháu của nó không nên mỗi chút mỗi đổ thừa cho Chúa và khi xưng tội thì phải nhớ chừa cái tội đó đừng lập lại và nhận xét rằng thuyết nhân quả của nhà Phật rất hay nhưng đôi khi Phật tử lạm dụng thuyết nhân quả để chê đè người khác và vì thế làm cho người ta đau khổ. Bạn thấy nó đúng không? Nó mới hai mươi bảy tuổi và đôi khi nó nói chuyện đạo Phật làm tôi cũng ngẩn ngơ. Nó nghiên cứu đạo Phật bằng tiếng Mỹ. Tôi học Phật bằng tiếng Việt. Không biết có khác  nhau nhiều không?
Nói cho bạn mừng dùm là dù thiểu số nhưng đạo Phật trong nhà tôi vẫn thịnh vượng. Tôi chưng bày tượng Phật tùm lum, trong vườn hoa đằng trước, trong sân đằng trước, trong vườn hoa đằng sau, trong sân đằng sau, ngay giữa vườn, trong luống hoa, giữa bụi lan... Bàn thờ Phật ở phòng  khách, bàn thờ Phật trong phòng thờ, tượng Phật trên đàn dương cầm, tượng Phật trên đầu ti vi. Đây cũng là một tội ăn hiếp người (chồng) quá đáng, chắc kiếp sau lại phải trả thôi.
Rồi cách đây hai tháng, khi anh và tôi cùng ở tuổi bẩy mươi, phải bạn ơi cái tuổi 'thất thập cổ lai hi' đó, thì có một người quen từ Việt Nam qua chơi. Người nầy đã đi tu Chúa khi còn con gái mười bẩy tuổi và hiện nay năm mươi bẩy tuổi và đã được lên chức Mẹ Bề Trên. Trong khi trò chuyện, Sơ (xin tạm gọi như thế cho gọn) khám phá ra là chồng thì đạo Chúa chánh gốc (quên nói cho bạn biết là bố chồng mình gốc gác người Ý), đã được rửa tội, đã hưởng hết các phép ban ơn v.v.. mà lại đi cưới một người vợ ngoại đạo, lại còn không bắt vợ theo đạo của mình. Thế thì khi chết sẽ không được vào nước Thiên Đàng, sẽ không được Chúa tha thứ, sẽ xuống địa ngục v.v.. Và Sơ chỉ cho tôi nên đi kiếm Cha để xin Cha làm phép, xin Chúa tha tội cho ông xã để ông xã được trở về với Chúa.
Tôi hoảng hồn nghĩ mình thật là tội lỗi, bấy lâu nay chỉ lo cho linh hồn của mình, còn người bạn đời thì mình lại thờ ơ, may mà có Sơ nhắc nhở. Tôi bèn dịch lại những lời Sơ nói. Ông xã vẫn làm thinh (lại cho bạn biết anh là người ít nói nhất thế gian, bạn có biết tại sao không? Vì chị vợ đã nói hết thời gian rồi, anh chồng làm gì còn chỗ và thời gian để nói nữa, đã cưới nhau bốn mươi năm rồi, phải quen tánh quen nết chớ, phải không bạn?). À hình như anh có lầm thầm cái gì là anh chưa từng bao giờ bỏ Chúa thì tại sao phải trở lại? Tôi thì sợ hãi nên thúc giục anh mau đến tìm Cha.
Bạn có thấu hiểu được nỗi đau lòng của tôi không? Chắc là không. Vì để hiểu được bạn phải ở trong hoàn cảnh nầy và tôi thì không muốn cho bất cứ ai vướng vào cái vòng tục lụy nầy hết. Giống như cái ông gì đó (trí óc tôi lúc nầy chậm chạp quá, đã quên béng tên ổng) đang làm quan lớn với đầy đủ vợ đẹp, con khôn, quyền cao, chức trọng thì bỗng giựt mình tỉnh giấc Nam kha thấy mình vẫn đang ngồi dưới đất, vợ con không, lầu đài không, tiền bạc không, quan chức không.
Giống như bạn, tôi đã "cho anh cả cuộc đời", những tưởng mình đã cùng ai chung chịu nhục nhằn, hạnh phúc, đã cùng ai nở nụ cười, lau nước mắt, đã cùng ai ngẩng mặt, cúi đầu... Ngờ đâu bừng con mắt dậy thấy mình tay không! Mình đã đẩy người ta xuống địa ngục, mình là nguyên nhân để người ta xuống địa ngục. Bạn khuyên tôi phải làm sao? Người ta xuống địa ngục chưa thì tôi không biết, mà tôi thì đã ở trong đó rồi. Lòng tôi tan nát, bạn ơi. Tôi phải đọc tụng kinh gì hả bạn? Lương Hoàng Sám? Thủy Sám? Mà tụng thì ăn thua gì! Nếu tụng mà hết được tội đẩy người xuống địa ngục thì tôi nguyện đọc mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút , từ đây cho đến hết cuộc đời.
Ngày hôm sau khi ngồi ăn cơm, dưới cái diã, tôi thấy một cái bao thơ, giống như cái card chúc tết hay chúc sinh nhật vậy. Tôi ngạc nhiên vì không phải tết, cũng chẳng là sinh nhật. Anh chẳng nói gì. Tôi mở card ra đọc những dòng chữ có thể dịch ra Việt ngữ như sau:
"Nếu phải xuống địa ngục và vĩnh viễn bị cấm cửa thiên đàng thì anh sẵn sàng và hạnh phúc chấp nhận. Ngày em nhận lời làm vợ anh là ngày Chúa đã ban ơn phước cho anh và chấp nhận anh vào cõi Thiên Đàng và anh đã ở Thiên Đàng từ dạo đó, nay sao lại còn phải xin xỏ để trở vào? Anh không ăn năn. Anh không ân hận. Anh không van xin. Anh chắc rằng Sơ đã không nhìn thấy những giọt nước mắt của em đã đổ ra cho anh, vì anh, vì hạnh phúc của anh, vì tội lỗi của anh. Nếu thấy thì anh lại tin chắc rằng Sơ sẽ bảo anh:
“ Con hãy cám ơn Chúa đã cho con gặp người vợ ngoại đạo nầy'. Em hãy yên lòng, đừng thúc giục anh tìm Cha.  Chúa rất nhân từ và thông cảm. Anh đang ở Thiên Đàng."
Đọc xong, tôi ngẩng lên nhìn anh. Tôi lại để cho nước mắt chảy ra thấm ướt tờ thư. Đã lâu rồi tôi không khóc. Lần nầy tôi không cố ngăn lại. Khóc được cứ khóc bạn ơi. Chỉ sợ rằng mình không khóc được và không được khóc!
Bạn có thấy dị không khi một bà già bẩy mươi tuổi còn khóc được vì một lá thư.. (có thể gọi là thư tình không bạn?). Không, đây không phải là thư Tình!  Đây là thư Nghĩa! Tình yêu sôi nổi với dục vọng, với ghen tương, với giận hờn đã qua lâu rồi. Đây là sự thương yêu, nâng đỡ, dắt dìu nhau của hai con người đang đi vào đoạn cuối của cuộc đời mà không lãng quên những hứa hẹn ở buổi ban đầu. Đây là Nghĩa Vợ Chồng. Dù cho bạn có thành hôn với người Việt Nam, người Mỹ, người Trung Quốc, người Đại Hàn, người Pháp, người da đen, da trắng, da màu... thì nó vẫn tồn tại và rực rỡ trong tâm bạn.
Tôi hy vọng mãnh liệt rằng Chúa sẽ không bắt tội anh vì tôi tin rằng anh đã sống giống như  ý Chúa: Thương Yêu, Trung Thành và Nhân Ái.
Đây là một phần câu chuyện đời lộn xộn của tôi và tôi xin chia xẻ cùng bạn với tất cả trái tim tôi.  Có tội hay không có tội?  Anh đã đi trật đường của Chúa dạy? Anh đang từ bỏ Thiên Đàng và trên đường xuống địa ngục? Anh thật không biết. Tôi là tên ác quỷ đang đẩy người vào chốn tối tăm? Tôi thật không biết.  Chúng tôi chỉ biết cầu xin Chúa và Phật cho chúng tôi được có mặt bên nhau những khi hoạn nạn, được giúp đở nhau những lúc vấp ngã,  được nấu cho nhau chén cháo trong lúc ốm đau, được nắm tay nhau mỉm cười khi mở cửa nhà đón đàn con cháu.
Bạn ơi, tôi không cần phải có bàn thờ và anh thì không cần phải kiếm Cha để rửa tội. Tôi vẫn là một Phật tử thuần thành và anh vẫn làm dấu thánh giá. Chúng tôi không quá "liberal" phải không bạn ? Thiên Đàng và Niết Bàn của chúng tôi có nghĩa là " in the here, in the now" như Sư Ông Nhất Hạnh vẫn nói. Không biết chúng tôi có hiểu đúng ý của Sư Ông không?
Hai chúng tôi Tội Lỗi và Hạnh Phúc ngang nhau. Cả Phật, cả Chúa đều rất Bác Ái và Công Bằng, Bạn đồng ý không?
Le Hoa Wilson

Lấy Mỹ - Lệ Hoa Wilson

Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Có Tội Hay Không Có Tội”, tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ “Hai đứa gặp nhau khi ông xã làm việc tại bệnh viện Hải Quân Hoa Kỳ, núi Non Nước Đà Nẵng. Cưới nhau: 1972, hiện có 5 con. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di Trú và Thuế Vụ tại Long Beach.” Sau đây là bài viết thứ hai của bà.



Bất cứ người con gái nào lớn lên, đến tuổi trưởng thành cũng đều mơ ước một ngày bước lên xe hoa để làm vợ. Có những người đầy đủ phước đức, sanh ra, lớn lên, lấy chồng, làm vợ, làm mẹ, làm bà, sống trong danh dự, chết trong thương yêu. Có những người thiếu kém nghiệp lành, sanh ra, lớn lên, lấy chồng, làm vợ, làm mẹ, làm bà, sống trong đau khổ, chết trong cô đơn.
Dù kém nghiệp lành hay đầy đủ phước đức thì những người đàn bà nầy đã hạnh phúc với hay khổ đau do một ông chồng ViệtNam nên được xã hội ViệtNam trân trọng tặng cho cái danh dự “bà vợ”.
Tôi đã lấy chồng, làm vợ, làm mẹ, làm bà nhưng tôi đã hạnh phúc hay đau khổ với một ông chồng người Mỹ nên được xã hội Việt Nam khinh khi ban cho danh từ “Me Mỹ”!
Ở cùng một hoàn cảnh, ăn mặc cùng một kiểu, nói bá láp cùng một câu, phạm cùng một lầm lỗi nhưng “bà vợ” thì được cảm thông và tha thứ vì bà tuy nói ác mà tốt bụng, tuy ăn mặc hở hang mà tánh rất đàng hoàng, tuy có ra ngoài vòng lễ giáo một chút nhưng hoàn cảnh thật đáng thương v.v.., còn “me Mỹ” thì sẽ nhận đựợc một bản án nặng nề, không hồi tố, không biện minh, không chống đỡ.

Một người khách đến văn phòng tôi làm giấy tờ bảo lãnh thân nhân. Trong khi tôi điền đơn ông vui miệng hỏi chớ cô ở Mỹ bao lâu rồi mà giỏi vậy và có đứa con nào chưa? Tôi trả lời cháu ở Mỹ đã 19 năm (thời điểm 1994) và có được năm con. Chồng cháu người Mỹ. Ông khách nhìn tôi kinh ngạc và hạ một câu: “ Cô Lấy Mỹ mà cũng đẻ dữ vậy hả!”. Âm thanh khinh bạc trong câu Lấy Mỹ của người khách đáng tuổi cha chú làm tôi hơi khựng lại và trong một phút vô minh trong óc tôi cố nghỉ ra một câu gì tương xứng với hoàn cảnh của ông để nói lại cho trái tim mình đở rướm máu, nhưng đức Phật Quan Âm đã mau hơn cái phút vô minh đó nên tôi chỉ từ tốn trả lời: “Dạ vợ chồng cháu định có bảy đứa nhưng ở đây nuôi con cực quá nên dừng lại ở năm đứa.”. Chắc ông khách cảm nhận được sự lỡ lời của mình và thái độ từ hoà của tôi nên có vẻ bẽn lẽn. Ngày hôm đó tôi được mặc cái áo Lấy Mỹ mà đẻ nhiều con !
Lại có một cô đáng tuổi em út nhờ tôi kêu điện thoại lên tòa án dàn xếp một vụ hiểu lầm rắc rối do cô gây ra. Mọi việc ổn thỏa rồi cô cám ơn tôi và nhận xét: “ chị lấy Mỹ mà cũng biết làm nghề nầy nữa há.”. Có nghiã là nghề văn phòng phải do mấy bà vợ đảm nhận mới phải. Mấy bà nầy ngày xưa bên ViêtNam là người có học, nay tiếp tục văn phòng là lý đương nhiên. Còn chị lấy Mỹ sao lại ngồi đây ?, sao dám chen chân trong vòng danh lợi nầy ? Sao lại ăn nói nhẹ nhàng giúp đở đồng hương ? Đáng lẻ chị phải tiếp tục bán bar, bồi phòng hay cái gì hạ tiện một chút, ăn nói có một chút chữi thề, thái độ có một chút sắc sảo thì mới hợp lý chớ . Tôi nhìn người đồng hương hiền lành ít học và nhẹ nhàng nói :” Nghề nào cũng vậy thôi em à. Nghề nào làm ra tiền để nuôi con thì bà mẹ nào cũng làm hết, bất kể sang hèn.”. Ngày hôm đó tôi được mặc chiếc áo Lấy Mỹ mà biết làm nghề văn phòng !
Một hôm có một ông lạ hoắc ở tận Canada, do một người mách bảo, tới văn phòng tôi để xin băng giảng kinh Phật. Lúc đó chưa có CD, băng kinh còn rất hiếm. Sau khi chuyện vãn tôi tặng ông băng của thầy Thanh Từ, thầy Nhất Hạnh, thầy Thiện Huệ, sư cô Như Thủy v..v.., ông vui mừng cám ơn rối rít: “Không ngờ cô lấy Mỹ mà cũng biết tu hành dữ vậy!”. Tôi mĩm cười chọc ông: “ Vậy là ông nói tôi đi sai đường phải không? Đáng lẻ tôi đi theo quỷ Sa Tăng mới đúng. Đáng lẽ tôi phải vào trà đình, tửu quán, tay cầm ly rượu, tay cầm điếu thuốâc thì mới đúng điệu me Mỹ chớ me Mỹ gì mà sờ mó kinh sách, thật là ốt dột ông há”. Ông khách biết mình nói quá lố vội xin lỗi, tôi lại mỉm cười. Vậy là tôi lại được mặc thêm một chiếc áo Lấy Mỹ mà cũng biết tu hành!
Bạn tôi, sau khi cằn nhằn, phê phán, chê trách con dâu và bà xuôi gia đủ điều liền hạ một câu kết luận: “ thằng con tôi là thằng chúa ngục. Không biết sao mà nó mê con quỉ nầy dữ vậy? Má nó là cái thứ lấy Mỹ thì làm sao biết dạy con?!” Thêm một chiếc áo nữa Lấy Mỹ không biết dạy con!
Tôi thường hay thắc mắc tự hỏi không biết mình làm vợ Mỹ thì có khác biệt gì với mấy người làm vợ ViệtNam ? và người chồng Mỹ của mình có khác biệt gì với người chồng ViệtNam?
Khi vui tôi cười, khi buồn tôi khóc. Khi nấu ăn bị đứt tay, máu cũng đỏ thắm. Khi nhìn đồng bào lầm than trong đói nghèo, lụt lội thì ruột tôi cũng mềm. Khi chồng thất nghiệp hay gặp cảnh gian nan thì tôi cũng đở nâng, an ủi. Khi chồng vụng dại, lỡ lầm thì tôi cũng gây gổ, giận hờn.
Khi chồng tôi cầm bảng học bạ đầy chữ A của các con thì mặt mày cũng tươi vui hớn hở. Khi bị trường kêu lên mắng vốn thì cũng buồn bã lo âu. Khi con nhỏ ốm đau thì cũng thức trắng đêm lo thang thuốc. Khi con nên vợ nên chồng thì cũng hãnh diện, mừng vui. Buổi sáng hôn nhau từ giã hăng hái đi làm nuôi con. Buổi tối hôn nhau cám ơn một ngày bình an, hạnh phúc.
Chúng tôi cũng có những luật lệ riêng của gia đình. Khi các con còn nhỏ ngồi ăn cơm chung với cha mẹ, ăn xong trước rồi muốn ra khỏi bàn ăn phải xin phép. Khi cha nói NO rồi thì không được nhõng nhẻo qua hỏi mẹ. Khi cha mẹ đang coi TV thì không được tự động đổi đài khác.
Chồng tôi người Mỹ mà lại tin vào chánh sách ‘thương con cho roi cho vọt’ của VN, nhưng ảnh không đánh con trong sự giận dữ. Ảnh bắt chúng nằm sấp xuống ghế, nói cho chúng biết chúng đã phạm lỗi gì và hình phạt ra sao (một roi chổi lông gà hay không có TV một tuần hay 8 giờ tối phải vô phòng không được hội họp với gia đình v..v..). Tôi không bao giờ xen vào binh vực cải cọ lúc ảnh răn dạy các con dù đôi khi cây roi hạ xuống một tiếng chát, thằng nhỏ rú lên, lòng mẹ nghẹn ngào. Sau mỗi hình phạt, tôi dẫn các con đi rửa mặt, cho chúng ly cà rem, cái bánh ngọt rồi dẫn chúng vào phòng xin lỗi cha.
Các con ơi, dù cha không phải lúc nào cũng đúng khi răn dạy các con, nhưng hãy nhìn mỗi buổi sáng, dù nắng dù mưa, dù mạnh giỏi dù khó chịu, cha chúng con vẫn ra xe đi làm. Cái lap top, cái cell phone, cái phòng ngủ, cuốn sách, áo quần, sách vở,máy sưởi, nước nóng, sự hiểu biết, sự tiện nghi, sự trưởng thành…trăm ngàn thứ trong cuộc đời con đang hưởng thụ đều đổ lên hai vai của người cha đó thì đôi khi một vài hiểu lầm có đáng là bao. Vợ chồng tôi không hoàn toàn nhưng đã cố gắng dạy con the best we know.
Tôi được người đời tặng cho nhiều chiếc áo khác nhau nhưng ít có chiếc nào nhuộm lòng Từ Bi và Hiểu Biết. Tôi lẳng lặng nhận những chiếc áo khắc nghiệt đó, không oán trách cũng chẳng hạ mình. Tôi không có gì phải cúi mặt khi nói cho người đối diện biết chồng tôi người Mỹ. Trái lại những lời khinh bạc, những dè bỉu trước mặt hay sau lưng đó đã giúp tôi tăng thêm phần nhẫn nhịn, thứ tha và thông cảm hơn đối với những chúng sanh bạc phước khác. Và tôi tin rằng vì thế tôi hoá giải được một phần những oan khiên, nghiệp chướng của kiếp nầy cũng như của những kiếp trước. Quả nhiên phiền não là bồ đề và cuộc đời thì không có gì là tuyệt đối hết. Cũng có người thương tôi. Tôi xin gởi lời cám ơn với tất cả trái tim chân thành đến các đồng hương tại Long Beach đã từng dùng qua các dịch vụ của văn phòng tôi và đã thương mến tôi như một con người, đã đối xử với tôi như một “bà vợ”.
                                 *

Tôi đóng cửa văn phòng lái xe thẳng ra nghĩa trang thăm mộ con. Chúng tôi mất một đứa con trai trong một tai nạn xe hơi lúc cháu vừa 16 tuổi. Từ xa tôi thấy một người ngồi bên cạnh mộ, hai đầu gối cong lên, hai tay ôm lấy đầu gục xuống chân. Tôi lại gần. Té ra là Ron, chồng tôi. Tôi quì xuống trước mặt anh, hai tay nâng đầu anh lên, để trán tôi cụng vào trán anh. Anh nhìn tôi thì thầm : “ Honey, help me, please help me. I can not go through our son’s loss without your love and your support.” (em ơi, giúp anh, em hãy giúp anh. Anh không thể nào vượt qua cơn đau khổ mất con nầy mà không có tình yêu và sự chia xẻ của em). Tôi ngồi xuống bên anh, bên cạnh mộ đứa con yêu dấu. Tôi để đầu anh dựa vào má tôi và dịu dàng nói: “ Em yêu anh. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua nổi đau khổ nầy !”
Một giọt nước mắt của anh thấm vào miệng tôi.
Giọt nước mắt của người chồng Mỹ với người vợ Việt, của người cha Mỹ khóc thương cho đứa con trai vắn số cũng mặn như giọt nuớc mắt của bất cứ người chồng người cha nào khác.
Có khác gì đâu. Vô thường!
Lệ Hoa Wilson

Wednesday, December 28, 2016

Nước Mỹ: Không phải tạm dung / Lệ Hoa Wilson

Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước này, dân tộc này với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
  Tôi người Việt Nam. Ông xã người Mỹ. Chúng tôi gặp nhau và thành hôn năm tôi 30 tuổi, đã một lần ly dị và có hai đứa con. Ông xã thì cũng 30 tuổi và còn là trai tơ. Vùng I chiến thuật lấy Ðà Nẵng (nơi tôi và ông xã gặp nhau) làm thủ phủ nên có rất nhiều bộ chỉ huy trong đó có nhà thương của Hải quân Mỹ là trung tâm y tế cho tất cả binh sĩ Mỹ trong vùng. Qua khỏi ngã tư Mỹ Khê, quẹo mặt để đi vào núi Non Nước, nằm về phía tay mặt là nhà thương. Tôi đoán nó chiếm trọn ít nhứt là năm mẫu đất với các trung tâm y tế mổ xẻ, chữa trị đủ loại, nhà ở cho binh sĩ và dĩ nhiên là một nhà xác! Một nhà xác không có nhiều nước mắt vì thân nhân ở mãi mười ngàn dặm xa! Trước mặt nhà thương là một bãi đáp trực thăng để tải các thương binh, các chiến sĩ tử trận từ các chiến trường vùng I. Mỗi lần trực thăng đáp xuống thì con đường xe chạy được các quân cảnh Mỹ chặn lại, từng chiếc cáng được vội vã khiêng ra chạy thẳng vào cổng chánh, có người sẽ tỉnh lại với một cái chân nằm đâu đó trong lá rừng rậm rạp, có người sẽ được trở về quê hương dưới lá cờ phủ kín, có người sẽ ngậm ngùi từ biệt những giấc mơ vì cánh tay đã mất, gương mặt đã bị tàn phá, linh hồn đã bị tổn thương… Vì ông xã thuộc binh chủng hải quân và đóng quân trong nhà thương nên tôi đã có biết bao lần phải ngừng xe, tắt máy, ngồi nhìn những bước chân vội vã, những gương mặt chịu đựng, những ánh mắt buồn hiu của những người tải thương. Mỗi khi có một cái cáng phủ cờ Việt Nam hay Mỹ thì những người Mỹ xuống xe đứng nghiêm chỉnh đưa tay chào vĩnh biệt. Tôi ít khi thấy thương binh Việt Nam, có thể vì họ được chuyển tới một trung tâm y tế khác. Chỉ có một lần tôi thấy một cái cáng được khiêng ra khỏi cửa trực thăng, lá cờ Việt Nam Cộng hòa phủ kín. Tôi không thấy mặt cũng như binh chủng của tử sĩ nhưng một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, cánh tay quấn băng treo vào vai còn đẫm máu đang lảo đảo nhảy ra khỏi cửa trực thăng. Tóc chị trước kia chắc được cột lại bằng dây thun, nay chỉ còn một vài lọn lỏng lẻo trên đỉnh đầu còn bao nhiêu thì thả dài rối rắm xung quanh mặt. Bạn ơi, hình ảnh đau thương nhứt không phải là cái cáng có người chết nằm phủ kín lá cờ vàng chói, không phải dòng nước mắt đầm đìa trên mặt người sống sót mà là một miếng băng vải mỏng dùng để quấn vết thương. Nó bị dơ vì đất và máu. Nó chỉ dài bằng một chiếc khăn mùi soa. Nhưng nó lại được người vợ trân trọng để ngang lên trán, dùng một cọng lạt dừa cột vòng lại sau đầu. Mảnh khăn tang được vội vã quấn tạm thời nhưng sự ly biệt thì chắc chắn ngàn trùng xa cách. Người thiếu phụ Việt Nam đang để tang cho người chồng chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc! Tôi không ra khỏi xe chào vĩnh biệt người chiến binh nhưng gục mặt vào tay lái nước mắt tuôn rơi khóc thương cho những đứa trẻ đang quẩn quanh trong thôn xóm chờ cha trở lại. Tôi tưởng tượng tới lúc gia đình nghe tiếng chuông reo, mở cửa ra và thấy một người binh sĩ đứng trước mặt với cái nón cầm trên tay. Người mẹ ở ngàn dặm xa kia có ngã xuống vì trái tim tan nát?… Một cái gì đó nhen nhúm trong tâm hồn tôi. Chiến tranh tiếp diễn cho tới một lúc nào đó thì hòa ước được ký, quân đội Mỹ rút đi. Anh nấn ná xin ở lại Việt Nam và là nhóm binh sĩ cuối cùng ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất vào đầu năm 73. Tháng 6, 1973, tôi sanh đứa con trai đầu lòng cho anh. Tháng 9 năm 74 tôi qua Mỹ thăm anh tiện thể thăm dò chuyện xuất nhập cảnh. Chúng tôi dự định chờ anh ra khỏi quân đội và sẽ về sinh sống tại Việt Nam. Ðiều kiện để tôi nói “I do” là chúng tôi phải ở Việt Nam và sẽ có bảy đứa con. Tôi nào biết trời cao đất rộng là gì, chỉ biết rằng tôi rất ham con và bảy đứa là một con số chấp nhận của gia đình VN, đâu nghĩ rằng đối với người Mỹ hai đứa là lý tưởng, ba đứa là chau mày, bốn đứa là nổi điên, năm đứa là tan nát, sáu đứa là thảm họa mà bảy đứa là… rồi đời! Thời cuộc thay đổi, đến tháng 3 năm 75 thì tôi quay về Việt Nam để đón các con. Lúc đó tôi đang có thai đứa thứ hai được bảy tháng. Khi còn bên Mỹ, qua tin tức trên báo và tin rỉ ra trong quân đội thì chúng tôi biết chắc là Saigon sẽ mất, nhưng khi về Việt Nam thì Saigon vẫn vui vẻ, vẫn bình yên. Rạp chiếu bóng vẫn hát, tiệm ăn vẫn mở cửa, đám cưới vẫn tiến hành, tình yêu vẫn nở hoa… Tôi thầm cằn nhằn báo chí Mỹ thật là dỏm, toàn là đưa tin vịt không hà. Nhưng với ngày qua, mọi việc có vẻ tệ hơn. Nhóm người quen bán hột xoàn với mẹ con tôi cùng nhau an ủi rằng “bà Mỹ” còn ở đây chưa chạy thì lo gì. Ông xã tôi kêu điện thoại ngày một hối thúc tôi ra đi. Tôi trả lời là má tôi không cho đi, sợ về Mỹ sanh rồi lấy ai săn sóc, làm sao có củi lửa để hơ, có lá xông để tắm, có nghệ vàng để thoa mặt, v.v. Sanh xong rồi tôi sẽ qua. Một tuần sau tôi mất liên lạc với anh. Ngày 20 tháng 4, 1975 một trung sĩ Việt Nam lái xe jeep đến nhà tôi, gõ cửa: “Xin lỗi đây có phải là nhà của bà Lê Thị Hoa không?”. Tôi trả lời: “Trung sĩ ơi, ở đây không có bà Lê Thị Hoa chắc trung sĩ muốn kiếm bà Lệ Hoa phải không?” Viên trung sĩ vội nói: “Tôi cũng không biết chắc. Tôi làm việc cho ban an ninh phi trường và được lịnh tới đây chở cái bà có chồng Mỹ lên gặp Đại tá Mỹ phụ tá tùy viên quân sự…” Tôi cầm lấy giấy và thấy tên tôi. Tôi vội dẫn theo hai đứa con nhỏ nhất lên phi trường Tân Sơn Nhất. Khi vào văn phòng, vị Đại tá cho tôi biết là ông xã đã liên lạc với cơ quan của ông và nhờ họ giúp tôi và các con phương tiện để rời Việt Nam. Vị Đại tá nhìn xấp tài liệu nói: “Chồng bà yêu cầu Tòa Đại sứ giúp đỡ bà và ba đứa con di tản khỏi Việt Nam lập tức. Xin bà hãy để hai đứa trẻ này lại đây cho cô thơ ký tôi trông chừng, còn bà thì theo xe trở lại nhà và dẫn đứa thứ ba tới đây, chúng tôi sẽ làm giấy tờ và gia đình bà sẽ ra đi nội trong ngày nay”. Tôi ngẩn ngơ nhìn vị Đại tá ngồi nghiêm chỉnh trước mặt: “Ngài Đại tá, ngài có nói chơi không? Tôi sanh ra, lớn lên, sống ba mươi lăm năm tại non nước nầy giữa cha mẹ, thân nhân, bạn bè… và bây giờ ngài cho tôi hai tiếng đồng hồ để từ bỏ tất cả… Xin ngài hãy nói là ngài nói chơi, chuyện này không có thật…” Nước mắt tôi ứa ra và chắc là tôi có vẻ bi thương của một con thú sắp chết nên vị Đại tá rộng lượng nhìn tôi: “Tôi biết tình cảm của bà. Thôi bà hãy dẫn con về và ngày mai trở lại. Ngày mai, bà có nghe rõ không? Chuyện đầu tiên bà thức dậy ngày mai là cùng ba con lên xe đến đây. Tôi sẽ gởi người trung sĩ này đến nhà bà sáng mai”. Tôi về nhà và cả nhà bắt đầu khóc. Tôi đi lên đi xuống thang lầu, mở các hộc tủ ra rồi đóng lại, ra sân thượng nhìn chậu cúc héo queo, xuống nhà bếp ngồi lên bộ ván ngựa, vô nhà tắm rờ rờ cái lon múc nước, ra phòng khách nằm lên võng đưa kẽo kẹt… Tôi như người mộng du, làm tất cả những hành động vô nghĩa đó với tiếng khóc hụ hụ. Ba giờ chiều tôi gọi điện thoại cho vị Đại tá biết là vì tôi bị xúc động nên đã động đến cái thai. Hiện giờ tôi đang ra huyết và Bác sĩ cấm không cho tôi di chuyển cho đến ba ngày sau. Dĩ nhiên vị Đại tá không dám giỡn với tánh mạng người khác nên phải đồng ý cho tôi thêm ba ngày nữa. Tôi không nghĩ là sau ba ngày đó tôi còn có được một giọt nước mắt nào nữa trong cuộc đời. Ba má tôi không đi vì tôi có người anh đi tập kết: ông bà chờ sự trở lại. Anh rể tôi không đi vì là sĩ quan Cộng hòa: sợ mang tội trốn lính. Chị tôi không đi vì theo chồng. Ba đứa cháu trai theo tôi vì sợ sẽ phải bị đày đi lính. Một đứa cháu gái theo tôi vì sợ sẽ bị gả ép cho thương phế binh Cộng sản. Vì thế ba ngày sau tôi mang một bụng bầu tám tháng và bảy đứa nhỏ lên phi trường. Vị Đại tá nhìn tôi như nhìn con quái vật: “Xin lỗi bà, theo giấy tờ thì tôi chỉ có quyền cho bà và ba đứa con của bà đi. Hiện tại bà có tới bảy đứa! Tôi thật không thể giúp bà”. Khi người ta phải phấn đấu cho sự sống chết thì can đảm và khôn ngoan ở đâu bất chợt hiện ra. Tôi nhẹ nhàng nói: “Tôi hiểu thưa Đại tá. Tôi không trách ông. Nhưng đây là những đứa cháu tôi nuôi từ nhỏ giống như con tôi vậy. Nếu ngài không cho chúng đi thì mẹ con tôi cũng xin ở lại”. Vị Đại tá bối rối nhìn tôi. Có lẽ ông đã biết rằng rồi thì Việt Nam sẽ mất, rồi thì một làn sóng người sẽ cuồn cuộn ra đi. Sớm một vài ngày, bốn đứa trẻ này có thấm gì đối với số người đang rần rộ chen lấn ngoài kia. Ông thở dài, ngồi xuống ghế ký cái công văn “eight months pregnant wife and seven children of US citizen need to be evacuated” rồi đưa cho tôi. Chúng tôi theo dòng thác người nhớn nhác ra đi. Chúng tôi tới Camp Pendleton ngày 5 tháng 5 năm 1975. Anh đang đóng quân ở Ferndale, một tỉnh lẻ nhỏ nhắn hiền hòa chỉ có bảy ngàn dân, cách San Francisco sáu tiếng đường xe về hướng Bắc. Lúc đó chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Xô vẫn tồn tại nên đây là một căn cứ hải quân rất quan trọng nằm trên một ngọn đồi cao ngó ra biển. Các đài radar tối tân được đặt cùng khắp để theo dõi các tàu ngầm xâm phạm bất hợp pháp vào hải phận Mỹ và California. Khí trời California lúc đó là 75 độ mà mọi người lạnh cóng. Ðêm thứ hai tại camp, anh lái xe một lèo 16 tiếng để đến đón mẹ con tôi. Mười một giờ khuya một người lính Mỹ đến lều để dẫn tôi lên văn phòng nơi anh đang làm thủ tục. Bạn có biết lúc đó tôi giống ai không? Không Giống Ai Hết! Ðây là một người đàn bà 36 tuổi, tóc hơi dính chùm lại vì cát bụi, mặt hỏm vào, gò má bị nám, mặc một cái áo dài xanh bên hông chỉ gài được một nút ở dưới nách vì thai bụng quá lớn, ngoài khoác một áo bầu thùng thình màu trắng, đầu trùm cái mền xám cột thắt dưới cằm, chiều dài mền thả phấp phới sau lưng. Le lói hơn nữa là người lính Mỹ trẻ thấy tôi run cầm cập nên cởi cái áo lính trận ra, trước mặt đầy những túi để dao găm, lựu đạn v.v… và trùm lên tôi. Tôi bước vào căn lều. Bàn làm việc nằm cuối phòng và anh đang đứng cúi xuống ký giấy tờ. Chưa bao giờ trong đời tôi lại bước những bước chân nhẹ nhàng, nặng nề, tủi hổ, hoang mang, giải thoát, run sợ như lúc đó. Ðây là lúc bắt đầu cho những ngày tươi sáng với sum họp thương yêu, với nhà lầu chọc trời, với ngựa xe rộn rã, với tương lai đại học hay là lúc chấm dứt cho dòng sông Hậu hiền hòa với hàng dừa nặng trái, lúc từ giã những hàng me xanh thân yêu Trần Quý Cáp, lúc quay lưng lại với bến Ninh Kiều đằm thắm xinh tươi, lúc quì lạy cha mẹ quê hương nói lời vĩnh biệt? Tiếng bước chân tôi làm anh quay lại. Anh bước tới ôm lấy tôi. Tôi cố gắng để khỏi ngất đi, quì xuống sàn nhà, tay ôm lấy mặt và nghẹn ngào: “Oh My God honey, I lost my family, I lost my country, I lost everything!” rồi tôi khóc nức nở. Anh quì xuống ôm đầu tôi. Anh cũng khóc. Tất cả người Mỹ trong phòng đều rưng rưng. Ngày 13 tháng 6 năm 1975 tôi sanh cháu Jimmy. Tháng 9 tựu trường, tôi gởi hai đứa nhỏ nhất cho cô bạn, đi làm phụ giáo lớp một trường tiểu học Ferndale, hai đô la rưỡi một giờ. Hè 1976, tôi đứng bán hot dog trong hội chợ và ba thằng lớn thì đi dọn rửa phân ngựa trong trường đua. Lúc đó Chánh phủ Mỹ còn giàu nên cứ hai năm là các quân nhân được đổi tới một trạm binh khác. Tôi thấy tụi nhỏ rất buồn và sợ rằng sự dời chỗ thường xuyên sẽ làm tụi nó hụt hẫng vì xa bạn nên khuyên anh giải ngũ. Và chúng tôi dọn xuống miền Nam California, tỉnh La Habra. Tôi thì để tất cả sự nghiệp lại Việt Nam, anh thì trước khi biến cố Việt Nam xảy ra, đã bị thua lỗ tất cả vốn liếng trong một vụ hùn hạp mở tiệm in với một nhóm dân sự nên chúng tôi hoàn toàn… sạch sẽ. Khi đi mướn nhà ở đường Dexford, La Habra, chúng tôi chỉ dẫn theo bốn dứa nhỏ nhất, hai trai hai gái. Chủ nhà là một người đàn ông Mỹ dễ thương, khi biết anh vừa giải ngũ thì rất vui vẻ nói: “Ô, căn nhà nầy có ba phòng lớn, thật là lý tưởng cho gia đình ông bà với hai trai hai gái. Tôi rất vui lòng cho ông bà mướn”. Chúng tôi dở khóc dở cười. Anh là người ít nói và chậm chạp nên tôi bèn duyên dáng cười cười nhìn ông “Thưa ông, nếu tôi nói với ông là chúng tôi có tám đứa con thì ông có tin chúng tôi không?” Lần nầy thì chủ nhà nhìn chúng tôi dở khóc dở cười. Ông ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Thôi được, tôi đồng ý cho ông bà mướn. Mỗi tháng tôi sẽ đích thân đến thâu tiền nhà. Hy vọng là mọi sự sẽ tốt đẹp”. Ông đâu có biết rằng tên tôi là Lệ Hoa nghĩa là một bông hoa mỹ lệ, đẹp đẽ chớ chẳng phải là nước mắt của hoa nghe bạn. Vì thế tôi thích trồng bông, thích vườn tược. Tôi sanh ra và lớn lên ở Cần Thơ, bà con sống ở Ô Môn, Thới Lai, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ nên mỗi mùa Hè chị em tôi thường về vườn đi cầu khỉ, chèo ghe, bắt ốc gạo, hái vú sữa. Cái chất vườn Nam Bộ đã ăn sâu vào máu tôi nên hiện giờ nhiều người còn cho rằng tôi không có vẻ gì là sang trọng như người Việt Nam sống ở Mỹ. Biết sao! Sau khi dọn vô, tôi và các con hì hục cuốc đất, đổ phân và biến cái sân trống rỗng của ông thành ra một cái vườn đầy hoa vạn thọ (đây là để honor má tôi vì bà rất thích bông vạn thọ). Tháng sau khi ông tới thu tiền nhà thì ông ngẩn ngơ và phán một câu, “Tôi không cần phải tới tận nhà thâu tiền nữa, bà cứ viết check gởi cho tôi là được. Cám ơn bà về những bông vạn thọ”. Một vài người quen xúi tôi xin đi làm waitress vì nghề này tiền lương chẳng bao nhiêu nhưng tiền tip thì… ăn chết không hết. Trời ơi tôi nghĩ tới cái viễn cảnh, anh sẽ đi làm, tôi sẽ đi làm lại còn tiền hưu trí từ quân đội nữa thì quả nhiên là… ăn chết không hết! Tôi vội vàng vác đơn tới tiệm Red Lobster gần nhà xin việc. Người manager hỏi bà có làm waitress bao giờ chưa? Dạ chưa. Bà có khi nào làm chủ nhà hàng chưa? Dạ chưa. Cứ hỏi…bà có… bà có… bà có…. Cứ trả lời… dạ chưa… dạ chưa… dạ chưa… và thế là tiền ăn chết không hết chỉ là mộng ảo. Tôi mua tờ báo thấy rao là “Chương trình CETA của Chánh phủ sẽ trả tiền trường cho một năm học để giúp bạn học các nghề văn phòng như thơ ký, kế toán, phụ tá hành chánh v.v… Mỗi tuần chương trình sẽ tặng bạn bốn chục đô để di chuyển và sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm việc làm cho bạn…”. Tôi nói với anh đây chắc hẳn là một sự lường gạt vì làm gì lại có sự tốt đẹp như thế. Anh thì lớn lên đã nhập ngũ, phần nhiều thời gian nếu không lang thang trên biển cả thì cũng đóng quân ở một xứ khác ngoài Mỹ nên đối với xã hội dân sự cũng có chút bỡ ngỡ. Tôi hăng hái tới cơ quan xin vào chương trình thơ ký. Người phụ trách chương trình thấy tôi là người tị nạn, chồng lại là cựu quân nhân, hình dạng có vẻ nghèo nên thương tôi. Sau khi nói chuyện và đọc cho tôi viết một đoạn Anh văn, bà nhận tôi vào chương trình thơ ký. Khi tôi lui cui làm giấy tờ, bà dịu dàng hỏi: “Bà có giỏi toán không? Làm nhân viên kế toán thì nhiều lương hơn thơ ký thường và rất dễ kiếm việc làm”. Tôi không dám trả lời vì không biết “toán” của bà thuộc về loại gì nên ngập ngừng: “Dạ tôi cũng không biết chắc”. Bà lấy ra một bài thi toán đưa cho tôi. Ái dà, bà ơi. Có phải là bà đang chà đạp cái trường Gia Long của tôi không? Tôi là học sinh đệ nhất A đây nha bà, dù tôi không được như bà Dương Nguyệt Ánh ngày nay phát minh ra cái gì là bom tìm nhiệt thì ba cái 25% của 100 là bao nhiêu, 1/3 của 75 có lớn hơn 2/3 của 40 không v.v.. là cái chuyện nhắm mắt cũng trả lời được. Một năm sau tôi được giới thiệu vào làm cho Công ty nhà hàng Dennys, bộ phận kế toán xuất nhập. Làm việc bảy năm tại Dennys tôi đã học được biết bao điều về gia đình, xã hội, dân tình Mỹ. Trong những buổi ăn trưa tôi học đan áo, học móc khăn, học cách nấu món ăn Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, học cách dạy con, cách đối xử với chồng, học cách không bao bạn ăn để rồi kể lể khi giận hờn nhau, mà mạnh ai nấy móc túi trả phần mình và tình bạn thì không bao giờ sứt mẻ. Những người bạn ngoại quốc mới này giúp tôi hoàn thiện ngôn ngữ, hiểu rõ những tiếng lóng, sử dụng thành thục những thành ngữ, trả lời điện thoại một cách chuyên nghiệp. Giúp tôi biết nói cám ơn với con cái. Biết dằn lòng không mở thư của chúng ra kiểm soát. Biết chỉ dẫn chúng tự thực nghiệm cuộc đời hơn là bao che lầm lỗi. Biết nói xin lỗi khi phạm phải sai trái. Biết văn minh không phải là mặc áo hở ngực hở mông mà là tuân thủ theo Hiến pháp. Biết tự do không phải là mạnh ai nấy làm mà là kính trọng nhân vị của chính mình và của đồng loại. Biết thành công là nhờ vào sự mẫn cán, học hỏi, cầu tiến chớ không nhờ vào nịnh bợ lấy lòng. Biết các sắc dân khác cũng đầy thương yêu và nhiều đau khổ. Biết kính trọng người Mỹ đen. Biết thương yêu người Mễ nghèo. Họ cười lăn lóc với cái accent Á Ðông của tôi nhưng họ không chê tôi dốt nát. Họ chỉnh sửa lại những tiếng tôi dùng sai trật nhưng không có ý khinh khi. Họ không đánh giá tôi cao vì tôi đến từ gia đình trưởng giả như tôi khoe khoang. Họ không nhìn tôi thấp kém vì tôi thuộc third world country như báo chí thường đăng tải. Họ nhìn tôi giống như họ, một người vợ, một người mẹ đang cố gắng kiếm tiền một cách lương thiện để giúp chồng nuôi dạy đàn con. Chín mươi phần trăm nhân viên kế toán là đàn bà. Ðây là những bà mẹ, bà vợ ban ngày làm toàn thời gian, chiều về nấu ăn chăm lo con cái, cuối tuần giặt giũ, lau chùi nhà cửa, dạy con làm bài tập, đi chợ, đi chơi với gia đình. Họ sống bình thường mà còn giỏi hơn tôi là đằng khác.Vậy mà khi xưa tôi cứ nghĩ đàn bà Mỹ là đồ bỏ. Tôi mang tội khinh người. Khi ở Việt Nam tôi ít khi nào giặt quần áo cho tôi, cho chồng, cho con. Tôi chưa khi nào lau chùi cầu tiêu, thức khuya dậy sớm cho con bú, kiểm soát từng bài văn điểm toán cho con. Tất cả đều có anh tài xế, chị vú, anh bồi, chị bếp, cô giáo dạy kèm. Biết bao người đã than trời trách đất rằng sống ở đây sao mà cực quá, xã hội gì mà sướng đâu không thấy chỉ thấy cái gì cũng tự mình làm, thời gian hưởng thụ chẳng bao nhiêu mà làm việc thì quay tròn như chong chóng chẳng lúc nào ngừng. Cực ơi là cực. Chỉ chăm chăm muốn về Việt Nam hưởng thụ. Bạn ơi, bạn hãy dừng chân một bước. Bạn hãy mỉm cười cầm từng món đồ dơ bỏ vào máy giặt, nhìn vết bẩn trên chỗ đầu gối và hình dung lại gương mặt mếu máo đáng yêu của con nhỏ khi té quị xuống bãi cỏ, nhớ lại ánh mắt chờ mong tin tưởng của con khi mẹ đến đỡ lên. Bạn hãy nhìn cả nhà húp sột soạt chén canh bầu, cùng chia nhau miếng sườn nướng, cuộn chả giò. Bạn hãy cúi xuống đứa bé đang nở nụ cười ngây thơ chờ mong bình sữa bạn đang đu đưa trước mặt. Bạn hãy vừa xào món tàu hủ vừa trả lời thằng con đang cắm cúi làm bài tập bên kia bàn là Los Angeles không phải là thủ phủ của California con ơi. Thủ phủ của CA là Sacramento hoặc square of three is not three, it’s nine. Và năm phút sau đứa con vui vẻ đứng dậy: “Thank you mom (or dad). My home work is done”. Ðây mới chính là lúc bạn sống, là lúc mà bạn xuyên thủng qua lớp giáp để linh hồn và huyết nhục bạn và gia đình cùng hòa quyện vào nhau. Ðây chính là lúc hột mè trí tuệ nảy nở trong các con do bạn gieo xuống, lúc hạt giống tình yêu thẩm thấu vào linh hồn chúng do bạn cày cấy vào. Chúng sẽ lớn lên với ân cần bạn gởi vào chén cơm, với giúp đỡ bạn sẻ chia trong bài tập, với thương yêu bạn vuốt thẳng áo quần, với mồ hôi bạn chảy dài trong trận đấu. Và vợ chồng bạn có cùng một trận tuyến, cùng một hướng đi. Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước này, dân tộc này với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai. Tôi sẽ hòa vào các chủng tộc khác nhau, rơi lệ khi thấy tòa nhà chọc trời sụp đổ, đau thương khi nhìn xác lính được chở về, hân hoan khi nghe bài quốc ca trong các cuộc tranh tài. Tôi sẽ dạy các con cùng tôi nhận nơi này làm quê hương, sẽ đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia này. Thay vì trồng cây cổ thụ tạm thời trong một cái chậu nhỏ để nó chỉ được lớn èo uột trong bóng râm, tôi và gia đình muốn đào một hố sâu, đổ đầy phân bón, tưới tẩm nó với tất cả ân cần, săn sóc nó với tất cả sức lực để cho rễ mạnh nó ăn sâu vào lòng đất, cho tàn xanh nó tỏa rộng khắp không gian. Chúng tôi không tạm dung. Chúng tôi mọc rễ và yêu thương quê hương này. Rồi một ngày nào đó, ở bên kia góc trời có cần tới một bóng mát bình an, chúng tôi sẽ chiết bớt một nhánh cổ thụ đem về… Chúng tôi chỉ có thể làm như thế khi chúng tôi nhận nơi này làm quê hương.
 (Lệ Hoa Wilson)

Bí-mật cuộc chiến Việt-Nam / Vinh Trương


Bí-mật cuộc chiến Việt-Nam do hệ quả tu-chánh-án Cooper-Church 1970, được diển tiến phơi bày từ cuộc hành quân 1971, Lam-Sơn-719 mà không có quân bộ chiến Mỹ tham dự, hay nói cách khác Mỹ cho ra cái danh từ rất chính trị được gọi là “Việt Nam hoá chiến tranh” để xã-rác vũ khí lổi thời trước khi rút quân. Tiếp nối East Offensive 1972, vào lể phục sinh có nghĩa Hà Nội từ phía Tây trên triền núi tấn công xuống miền đồng bằng đông dân cư nên có sự can thiệp qua chiến dịch cân-bằng oanh-tạc Linebacker-1 (Ngăn ngừa Hà Nội làm ẩu vì chưa đúng thời điễm tổng tấn công “decent interval” cưởng chiếm miền nam khi còn quân Mỹ trú đóng tại Nam VN, nhưng mục-tiêu phải giải toả cho hết những vũ khí mà trên chiến trường Hạ Lào không thể giải toả được như: Các viên đạn hải pháo nặng bằng con bò phải giải toả cho hết từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 19, (xong đem tàu về Mỹ bán ve-chai) tàn phá để xây dựng theo học thuyết kinh tế người Anh Malthus, các Mìn từ trường MK-52 hồi chế tạo đến giờ chưa có hải cảng nào để gài, hoả tiển TOW, đại bác 175 ly Long Tom, chiến xa M-48 …)

Nhưng đợi đến phiên chiến dịch oanh tạc Linebacker-2 là buộc Hà Nội vào bàn hội nghị ký hoà đàm Paris để danh chính ngôn thuận Mỹ rút quân 1973, hoàn thành định-kiến-3 (axiom-3: The US could not have won the war under any circumstances), nhưng sự thật là hoàn tất công trình nâng đở “thế hệ phản lực Hàng không Dân dụng” đang còn phôi-thai, với ba triệu hành khách G.I booked trước theo chương trình nâng đở không bị Bankrupcy hay Merge và số trực thăng phản lực như là trợ huấn cụ (training-aid) cho binh lính tập luyện, như một cuộc Pinic tập trận. kế đến 1975 chỉ cần 72 tiếng đồng hồ chuyển tiếp qua ba tổng thống VNCH và kết thúc cuộc chiến rất quan trọng nầy bằng một bản tuyên ngôn “đuổi Mỹ” rời khỏi VNCH kết thúc bằng sự thống nhứt Việt Nam trong giải-pháp thế mạnh bên phía Hà Nội là cưởng chiếm miền nam (On the strongman side’s solution) Hoà Kỳ hoàn thành mục tiêu thống nhứt VN sau 30 năm chinh chiến đúng nghĩa Paris Peace Talks

Như trong kế hoặch chiến lược thống nhứt ba nước Đức, Triều Tiên, và Việt Nam, duy chỉ Triều Tiên Và Đức thống nhứt dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ vì đơn giản Siêu Chính Phủ đã buộc phải để quân Mỹ lại tại hai nước nầy như kế hoặch “hậu-cứ”, còn Việt Nam thì không, vì bị chủ nhà đuổi khách, chớ không phải khách tự ý bỏ chủ nhà khi đang có nguy biến, kết thúc thế chiến lược toàn cầu Eurasian Great Game cho sự thống nhứt trong trật tự thế giới mới. Thế kỷ 21 là hoà bình và hợp tác để phồn thịnh, vì mọi xung đột chĩ được giãi quyết trên bàn hội nghị LHQ như chuyện Biển Đông chẳn hạn! dù rằng Mỹ nặn và dàn-dưng ra các biến cố gay cấn sôi động, nhưng đó là công việc làm ăn political business phải có hàng ngày như trái đất đang quây.

 Đoạn kết của cuộc hành quân Lam Sơn 719 kết thúc trong vội vã vì sự cương quyết có lý do của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau 42 ngày giao tranh, để lại trên chiến trường bao nhiêu tổn hại cả về người lẫn vật chất của đôi bên, sau đó tình hình tại Hạ Lào đâu lại vào đó, không có gì thay đổi mà chỉ để lại quân đội BV chiếm lĩnh phía tây triền núi như theo trục lộ-đồ. Phải chăng vì mục tiêu chính trị, và quyền lực đã biến chiến trường thành nơi tử địa cho cả hai phía Saigon và Hà Nội, giống như để cho đàn kiến bu quanh cục đường rồi sau đó đập tan nát tất cả một cách không thương tiếc, mà trục Ma-Quỷ cho là để rút ngắn, tiết kiệm xương máu như hai trái Bom nguyên tử đã thả tại Nhựt, khi hoàn thành định kiến-1 thì Saigon không tắm máu và không thành đống gạch vụn (axiom-1: There was never a legitimate non-communist government in Saigon)

Tuy nhiên, vì chưa đạt được kết quả mong muốn hoàn toàn về việc tiêu hủy vũ khí lỗi thời, nên đến mùa hè 72 lại tiếp diễn trận tấn công vượt tuyến của quân Cộng sản Bắc Việt vào tỉnh Quảng Trị, rồi từ đó dẫn tới Hòa Đàm Paris để kết thúc, chấm dứt vai trò tập-trận của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng dầu sao mục tiêu của Pentagon và Liên Xô đã tiêu thụ một số lớn “Hàng Tiêu Dùng” (một số lớn vũ khí và chiến cụ lỗi thời trong thương ước “Aid to Russia 1941-46 plan, renewed, reactivated”)

Năm 1972, hai bên Liên Xô và Mỹ lại tiếp tục tiêu dùng cho hết chiến cụ hồi Đệ 2 thế chiến, ở giai đoạn cuối để đi đến hoà đàm Paris 1973. Sau đó có một đợt (new batch) vũ khí tối tân mới của Liên Xô như SAM-2 có xe kéo, dùng để phòng thủ Hà Nội khi đến lược Trung Quốc thí nghiệm tiêu dùng vũ khí do chính TQ sản xuất qua cái cớ “dạy cho VN một bài học” 1979, nhưng theo sự thuận ngầm của Mỹ là chỉ sáu tỉnh miền Bắc thôi nhé! Điều nầy lập lại sự cam kết cũa Mỹ và TQ khi Hà Nội đem hết lính tráng vào Nam 1975, TQ không được đem quân vào Hà Nội dù rằng với cái cớ nghe thuận là nhĩ là TQ bảo vệ sân nhà dùm cho Hà Nội, dĩ nhiên TQ đang bị sự cám dỗ của Mỹ giúp TQ chiếm ngôi vị thứ-2 của LX và được Mỹ bỏ vốn đầu tư về khoa học kỹ thuật để trở thành một siêu cường thấy rõ, Ðó là lý do tại sao TQ không dám đem quân vào thủ sân sau cho Hà Nội dù rằng TQ nằn nặc bênh vực đường lối của Nguyễn Thị Bình MTGPMN

Tại hạ Lào, tất cả ba thế lực đều dùng nơi rừng núi xa xăm nầy lấy dân Việt làm con cờ Chốt. Nói trắng ra chỉ tội nghiệp cho dân Việt bị các thế lực bên ngoài giựt dây đem súng đạn vào nhà mình thí nghiệm mà có biết con mẹ gì đâu, và cứ như thế mà huynh đệ tương tàn cho mãi tới giờ nầy cũng vẩn còn trong cơn mê dai-dẫn hận thù, vì cái đĩnh cao trí tuệ cứ nhai-nhãi cuộc chiến ý thức hệ, nhưng thật ra để tránh khỏi cuộc chiến nguyên-tử có thể hũy diệt loài người, nên họ bày ra cuộc chiến tranh lạnh (Cold War) Họ thừa hiểu muốn cho anh em trong nhà chém giết nhau tận tuyệt và thề không đội trời chung là phải gây ra hận thù “đấu tranh giai cấp” đối chỏi “câm thù CS”; Mà thật đúng vậy, Hà Nội gây biết bao nhiêu tan tóc cho dân tộc mà nếu như thế lực trong bóng tối, Mỹ không xác quyết đây là trò chơi chiến tranh, cứ giao cho Saigon hàng ngàn ngòi nổ (warhead) của CBU-55, BLU-82AL thì thãm trạng sẽ xảy ra như thế nào? Cã một thế hệ ngu-xuẩn của cả hai miền mà có biết con mẹ gì đâu! Đòi thả Bom phá đê điền sông Hồng Hà và tiêu diệt hết quân BV mà cho đến giờ nầy vẩn còn chồng chất hận thù, biết được dã tâm ngu-xuẩn đó nên SCP chĩ trang bị cho KQVN loại phi cơ hoạt động tầm ngắn như để huấn luyện T-6, T-28, T-37, T-38

Chuẩn bị Linebacker-1 để giải toả vũ khí lổi thời vào giai đoạn chót trước khi quân đội Mỹ hoàn toàn rút khỏi VN: Ngày 21/11/1970, để sửa soạn vào Hà Nội, cô đào Jane Fonda giữ đặc-vụ siêu điệp-viên, được tô son trét phấn tập hợp 2.000 sinh viên đại-học Michigan và tuyên bố: “Nếu chúng ta hiểu được chế-độ CS ưu việt, hy vọng, chúng ta quỳ xuống cầu nguyện tương lai nước ta sẽ trở nên CS” (totalitarianism) Hai năm sau, ngày 8/7/1972, trục Ma Quỷ sắp đặt Jane Fonda đi vào Hà Nội bằng Russia Aeroflot Airline: Fonda từ Mỹ qua Pháp, từ Pháp qua Moscow, và từ đây bí mật qua Lào rồi đến Hà Nội dĩ nhiên là dưới sự bảo vệ của Liên Xô. Mục đích đưa cao trào phản chiến đến cao điễm cho định kiến-1 (axiom-1) Fonda mặc chiếc áo dài đỏ màu máu, ngồi bên cạnh súng phòng không chạm nổ (AAA) tuyên bố: “I feel shame the US into doing something like inhumanity”

Với ý-đồ gọi là kiểm-kê vũ khí củ tồn kho phải xử dụng cho hết (inventory) rồi chuẩn bị tối tân hoá quân đội BV, tướng Liên Xô, đặc-vụ ông nầy y chang tướng Alexander Haig của Mỹ, Pavel Batitski bay qua Hà-Nội gọi là đánh giá khuyên Hà Nội xài cho hết vũ khí củ để tiếp nhận vũ khí mới như Sam-2 có xe kéo, hoả tiển Katyusha 122ly bắn salvo 1 lần 40 trái, hoả tiển cầm tay SA-7, AT-3, Tăng T-55, T-57 … tiếp nối chiếu theo đơn đặt hàng của Mỹ “Aid to Russia 1941-1946 Plan’ renewed” - Đầu tháng ba 1972 tướng Liên Xô Batitski đến và cuối tháng ba, quân đội BV bắt đầu tấn công qua sông Bến Hải. Cái mốc do KGB/CIA ấn định ngày 30/4/1972, Vỏ Nguyên Giáp nghe lời thầy LX, xuất phát cuộc tấn công vào trưa ngày 30/4/72 bằng cuộc chiến mà trục Ma-Quỷ gọi là “East Offensive” có nghĩa là sau khi lấn chiếm phía Tây 1971 bây giờ xuống miền đồng bằng phía Đông và đúng bon 3 năm sau 30/4/75 là cái mốc thời gian chấm dứt cuộc chiến. Thế nên Linebacker-1, mục-đích tiêu xài cho hết quân dụng củ của cả hai bên:

Để chuẩn bị danh từ chính trị “Việt Nam Hoá Chiến Tranh” cho người Mỹ an-toàn rút ra và các chiến cụ lỗi thời sẽ trở thành đống sắt vụn vì không có bộ phận rời thay thế; Rồi cuộc chiến trở nên tàn khốc hơn cho ba trọng điểm: Bình Long, Kontum, và vùng Hoả tuyến. Những vũ khí Hoa Kỳ cần tiêu xái mà trận LS 719 không thể tiêu thụ được như số đạn dược cổ điển trên những tàu như New Jersey, Oklahoma…bắn viên đạn nặng bằng 1 con bò bây giờ quê lắm rồi, ai mà thèm xài thứ nầy, mục tiêu hải pháo từ Quảng Trị đến Đồng Hới, rồi tái thiết sau hậu chiến theo định luật Malthus. Mìn Mark-52, cân nặng 1.100 pds với 625 pds chất nổ, lỗi thời quá, cơ hội nầy gài vào hải cảng. Lấy lý do tàu LX không vào được để che lấp con mắt TQ bằng phi cơ AN-12 luân phiên chở vào Hà Nội các Sam-2, mỗi chiếc AN-12 chở vào 10 tấn hệ thống hoả tiển bí mật mà LX không bao giờ dám chuyên chở bằng tàu hoả từ LX qua HN sợ TQ vua ăn cắp kỹ thuật.

Lúc nầy LX xúi Hà Nội xài cho hết T-34, T-54, PT-76, Sam cũ, các đại bác AAA lỗi thời cho hết để nhận đồ mời (new batch) chỉ giữ lại đại bác tối tân 152 ly, còn phía Mỹ sẽ giao cho quân đội VNCH tăng M-48, đại bác 175 ly, TOW, nói tóm lại là đồ vất đi, nhưng để cho VNCH có hảnh diện là lực lượng Hải và Không Quân đứng hạng thứ 4 trên thế giới với số lượng, nhưng thực chất là đồ vất đi, thường thường là thứ dành để huấn luyện

Cái thế lực trong bóng tối (permanent Government) bỏ qua cái tội Power-Act ra lệnh quân Mỹ vượt biên qua Cambodia của TT Nixon, và giờ đây hảy bình tỉnh thi hành mở cuộc hành quân cuối cùng, trước khi rút ra - xả láng những quân cụ lỗi thời cần thanh toán cho hết. Thế là Nixon mau mắn, nhân danh Tổng tư lệnh quân lực Mỹ ra lệnh: Hàng trăm B-52 tập trung tại Guam AFB, buộc đóng cữa một đường bay để làm parking cho B-52, và hơn 50 đơn vị phi hành từ Không Hải TQLC từ những căn cứ như trong U.S, Hawai, Japan, South Korea, Okinawa, và Philippine. Từ 35 phi đoàn chiến thuật như USAF, ASN, và VNAF, tổng cộng tăng lên 74, gồm có USMC; Chỉ trong tháng 6/1972 là 55.000 phi vụ. B-52 có riêng 4.759 phi vụ, bổ đồng hằng ngày từ 380 cho đến 650 và B-52 từ 33 cho đến 150. Sáu hàng không mẫu hạm luân phiên, nhưng bốn luôn luôn có mặt túc trực hành quân, các pháo hạm giãi toã cho hết đạn cỗ điển bự nặng như con bò, rãi từ Vĩ-tuyến 17 cho đến vĩ-tuyến 19, xong về Mỷ bán ve-chai lấy sắt:

Buổi sáng sớm ngày 9/5/1972, tất cả hãi cảng BV bị gài mìn mark- 52. Đô đốc, chủ tịch tham mưu liên quân Moore tuyên bố: “Afterward not one ship entered or left the harbor until we took up the mines”

Linerbacker-1 chỉ để tiêu hủy những vũ khí thặng dư còn lại thuần túy về mặt quân sự (đại bác 175, M-48, hoả tiển TOW …) còn về mặt chính trị buộc Hà Nội chuẩn bị ký hiệp định Hoà bình Paris (Peace Talk) sẽ có Linerbacker-2 (Việc nầy do tôi nghiên cứu và phát hiện ra chính Kissinger tại Library of Congress, cũng không hiểu tí gì về Linebacker-2), chứng cớ Kissinger vừa nói với Lê Đức Thọ tháng 11, và tuyên bố với báo chí “Peace is at hand” hoà bình trong tằm tay, nhưng tháng sau đó, có lệnh của Donald Rumsfeld, tham mưu trưởng WSAG buộc Kissinger phải dùng miệng lưởi Tô-Tần mà nói Hà-Nội vì phạm điều gì đó để tái oanh tạc Linebacker-2 trong mùa Noel, biến Hà Nội trở thành thời kỳ đồ-đá có nghĩa thủ đô thấp đèn dầu leo-lét, mục tiêu sẽ tái thiết Việt Nam to lớn hơn nhiều sau nầy theo định luật Malthus: tàn phá để xây dựng.

Đặc biệt san bằng khu Khâm Thiên để sau nầy làm khu mọc lên các toà đại sứ, và pháo hạm giải toả cho hết đạn đem tàu về bán ve chai, từ bờ sông Mỹ Chánh đến vĩ tuyến 19 không loại bỏ nhà thờ La Vang và thành Đinh Công Tráng (briefing tháng 4, 1972 tại căn cứ EVAN với sư đoàn 101 Không Kỵ). Tôi người Việt duy nhứt trong cuộc hợp tại Camp Evan đã phát biểu nên để lại nhà thờ La Vang vì là di tích lịch sữ còn thành Đinh Công Tráng nằm ngay trong thành phố hải pháo khó bắn chính xác thì okay. Kết quả TT Thiệu quỳ tại nhà thờ La Vang với ánh nắng xuyên thẳng xuống bàn thờ vì không còn một chiếc ngói nào trên nóc bởi rockets 19 pd chạm nổ của trực thăng vỏ trang quạt thẳng vào những khẩu B-41 trụ trên tháp chuông. Riêng thành phố Quảng Trị được xây dựng lại khá đẹp nhưng hởi ơi cổ thành Đinh Công Tráng không còn nữa theo đúng định luật Malthus!

Dĩ nhiên đời nào Mỹ cho phép Hà Nội đầu hàng để bể kế hoặch! tránh Bom các runwáy, phải để cho Mig-21 lên tập trận F-4 Panthom, và phi cơ AN-12 chở vào những trang bị điện tử tối tân của LX viện trợ cho Hà Nội, cũng như hiện tại trong khi chờ đợi Mỹ sẽ giải toả lịnh bán vũ khí sát thương cho VN, thì tạm thời dùng tàu chiến và phi cơ tối tân của LX mà hù doạ TQ

Vì làm sao hiểu được thế chiến lược của trục KGB/CIA, nên trong thời gian mùa Hè-đỏ lửa 72, tướng Giáp tự kiêu, nên ra lệnh tổng công kích, sự việc như chiếm miền nam chưa đúng vào thời điểm lộ trình (Decent Interval) nên nướng 100.000 quân và bị mất chức nắm quân đội cho nên Văn Tiếng Dũng lên thế để cưởng chiếm miền nam 30/4/75 cho đúng điễm mốc của thời gian mà Mỹ chủ đạo, chấm dứt 30 năm chinh chiến (1945-1975) một giai đoạn tàn khốc của “Âu-Á-Sự-1; 1920-2020”.

(Trích dịch một đoạn trong tập-II, The New Legion by Vinh Truong)                                                                                         QUEENBEE-1

Thursday, December 22, 2016

THÊM MỘT MÙA GIÁNG SINH BUỒN SẮP TỚI NƠI QUÊ NGƯỜI

           Thế là giáng sinh sắp đến, ngày mai ta lại trở về quê hương mở hội mừng Chúa ra đời. Ôi giấc mơ chiêm bao mộng mị bao mùa, chưa chi đã làm cho cõi hồn người viễn khách bồi hồi trong ngấn lệ, khi chợt nghĩ tới những trang lưu bút ngày xanh, thơ ngây ngọt ngào, nay chỉ còn lại trong men nồng đắng lệ.
          Tỉnh nhỏ ngày xưa những trận mưa bay cuối đông, làm cho Phan Thiết đêm mù như cõi mộng. Bài thánh ca " Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời " thường được em hay hát nho nhỏ, khi hai đứa đứng núp đưới mái hiên mưa, lặng đếm những cánh hoa sao quay tít ở trên đầu, để rồi thở dài trước một mùa đông nữa lại sắp trôi qua.
          Tất cả bây giờ chỉ còn trong kỷ niệm, của những ngày thân ái bên nhau trong giáo đường. Tôi, một kẻ ngoại đạo nhưng yêu em là một con chiên ngoan đạo, nên cũng học  hát thánh ca và thường quỳ giữa hai hàng nến trắng. Buổi đó, cuộc đời thật thơm ngát, theo những cánh hoa huệ trắng nở rộ ngọt ngào, trong lòng mọi người. Nhưng dòng đời ai biết được, là trong tiếng nhạc Organ cao vút, không phải chỉ có lời thánh thiện lướt bay như sóng cuộn, mà còn có tiếng pha lê rơi vỡ nát của một cuộc tình.
          Rồi những mùa Giáng Sinh bất chợt, kẻ viễn khách lại tìm tới các Giáo Đường xa lạ, lắng nghe tiếng chuông đổ xào xạc  trên lầu cao,  để tưởng như mình đang hứng những giọt nước mắt ngày xưa, của tôi của em, như hai hàng bạch lạp chảy, trong đêm thánh vô cùng.
           Tàn mùa chinh chiến, người lính trận lỡ bước xa nhà, lang thang khắp thôn làng thị trấn mịt mù, vào đêm Giáng Sinh mừng Chúa ra đời. Lúc đó chỉ còn có mình ta, bước lẽ loi trong giáo đường xa lạ, nhìn người để thương nhớ cho số phận buồn hiu của cuộc đời, mà phần lớn tuổi trẻ  đã đi trên giàn lửa và sống kiếp lang thang mây chiều.
          Xóm Cồn-Hạ Uy Di, mấy hôm nay trời bổng trở lạnh theo mùa đông tới. Sau lễ tạ ơn, cuốn lịch treo tường đã thấy mỏng dần, chỉ lật thêm mấy tờ là tới lễ Giang Sinh và Tết Dương Lịch. Các cửa hàng khắp thành phố  đã bắt đầu trang hoàng đủ thứ,nào thông xanh, ông già Noel, đèn nến, hoa sao, cũng như mở nhạc giáng sinh,.làm cho hồn thêm xao xuyến, chạnh nhớ lại những mùa lễ hội tại quê nhà trước năm 1975. Ở đây, cảnh nhộn nhịp chỉ kéo dài tới chiều ngày 24-12 là chấm dứt. Tất cả hàng chợ đều đóng kín, mọi người ai cũng trở về nhà sum họp vơi  gia đình, bè bạn, trong những căn nhà ấm cúng, giữa tiệc rượu vui vẽ, hạnh phúc .
           Giáng sinh đang đến gần, tiết trời cũng bớt se lạnh khi trận mưa đông cuối mùa sắp dứt. Nhìn người người nô nức chuẩn bị, khiến lòng hằng mơ ước, mùa yêu thương vĩnh cửu sẽ luôn tới với mọi người, để xin Chúa Hài Đồng ban bình an thật sự cho nhân loại . Hàng khối quà tặng giữa những tấm thiệp chúc tụng bay như bươm bướm và các tiệc yến linh đình , biến tuần lễ cuối tháng 12 Dương lịch , thành mùa lễ nhộn nhịp và quan trọng nhất trong năm.
          Có một sự lạ lùng mà ít người để ý tới. Đó là khi những cơn gió mùa đông bắt đầu thổi về lành lạnh, chỉ đủ làm ửng hồng những đôi má đẹp hay làm rạng rỡ thêm mấy chiếc áo len hương ấm. Cũng là lúc có một loài hoa , đang âm thầm chuyển mấy cánh lá noãn , từ xanh ra màu đỏ. Mọi người bảo đó là Hoa Giáng Sinh và ngoài kia Hoa cũng đang rực rỡ , báo hiệu một mùa giáng sinh sắp tới.
           Giáng sinh làm nhớ tới Sài Gòn mấy năm nay, sau ngày mở cửa. Mặc kệ cho dân chúng cả nước sống nghèo cực tới mức không còn ai nghèo hơn, vì tai trời nạn nước, trước sự bóc lột cùng tận của cán bộ đảng, qua sự cấu kết của thiểu số Việt kiều làm việt gian toa rập. Để khoe với thế giới bên ngoài, sự phồn vinh giả tạo tại các thành phố lớn ngày nay mà chủ quyền gần hết là người nước ngoài (Tàu, Nam Hàn, Nhật..), trong đó có Hà Nội và Sài Gòn. Đối với VC xưa nay, tôn giáo của chúng là tin thờ Lê-Mác-Mao-Hồ, ngoài ra tất cả chỉ là dịch vụ trao đổi mua bán. Cho nên sự việc biến ngày lễ Giáng Sinh thiêng liêng của nhân loại ngàn đời, thành " Mùa Ăn Chơi " tại các khách sạn quốc tế nơi Thành Hồ như Equatorial, cùng với nhiều nhà hàng khách sạn khác, thuộc công ty quốc doanh du lịch dã ngoại Lửa Việt, cũng là điều tất yếu của những con người không còn nhân tính. Vật giá leo thang như mây trời gió cuốn, thời tiết thì nay lụt mai nóng, còn công việc làm ăn, từ nghề biền làm ruộng cho tới bán buôn, đều do cán bộ đảng quyết định. Cho nên ăn chơi mức nào cũng có, kể cả " nhất dạ đế vương ", cũng chỉ là chuyện bình thường của tập đoàn tham nhũng VC, nhất nhì trên thế giới hiện nay, đang sống trong biển bạc rừng vàng .. Bởi vậy đừng trách tại sao người Việt trong nước ngày nay, tâm tình biến đổi, đến độ nhiều phụ nữ phải bỏ quê hương cha mẹ, người thân để lấy chồng xứ lạ tận Đài Loan, Hoa Lục, Nam Hàn, Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân...mà thực chất là bán thân để giúp cho gia đình tồn tại.
          Lừa bịp cả nước trong mọi dich vụ, từ chuyện lúa gạo, cao su, cà phê, nuôi cá, tôm,gà vịt nay lại tới sự may mặc. Tất cả chỉ mang lợi nhuận vĩ đại cho cán đảng, tư bản đỏ cùng một thiểu số Việu Kiều-Việt Gian môi giới bày vẽ mà thôi. Còn cả nước thì gần như sạt nghiệp sập tiệm, và theo các hãng tin trên thế giới, VN nếu không có lượng kiều hối hằng năm gửi về hằng chục tỉ đô la quân viện, chắc là trong nước dân chúng quá đói khổ lầm than, đã nổi loạn dành sự sống trong tay bọn dảng cướp lâu rồi .
           Mùa Giáng Sinh năm nay tại VN không biết có đến hay không vì từ các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình,, vào tới Nha Trang,Sài Gòn xuống tận Cà Mâu, Rạch Giá, Hà Tiên, kể luôn hai hải đảo dẹp và trú phú nhất nước là Phú Quý (Bình Thuận) và Phú Quốc (Kiên Giang), đang đắm chìm trong gió, nước, tang thương và cá chết trắng biển, sông, rạch, do các trận bão liên tiếp, xã đậpp thủy điện và nhà máy thép Formosa Hà Tỉnh gây ra từ năm2015-2016.
           . Tại Sài Gòn cống vỡ, nước ngập tràn lan. Hoàn cảnh cùng khốn như vậy, không biết Việt Kiều từ muôn phương về du lịch, du hý, ăn tết, còn có đủ tim óc, để chia vui với đảng cầm quyền VC hay không ?, trước nổi dân chúng khắp nơi, đang sống cảnh màn trời chiếu đất, cực khổ trăm chiều. Đây cũng là dịp tốt nhất, để cho người Việt tị nạn hải ngoại, đang có mặt tại VN, tận mặt nhìn rõ sự đối xữ của Cộng Sản với đồng bào nạn nhân. Hãy tới những nơi thảm tuyệt để ghi nhận cảnh địa ngục trần gian của đồng bào. Đó mới chính là những bức ảnh lương tâm đáng lưu lại muôn đời. Còn cứ chụp hình cảnh đẹp qua quảng cáo du lịch của đảng, hay đi phỏng vấn ba làng,từ nam ra bắc như chỗ không người, với các nhân vật theo đơn đặt hàng, nói trả lời như máy, rồi đưa ra hải ngoại, thì quá tệ,
               Suốt thời gian mở cửa rước tư bản vào cứu đảng. Cứ mỗi lần giáng sinh tới, VC lại đóng kịch tự do tôn giáo, vừa che mắt thánh, lại có dịp tổ chức ăn chơi thu tiên đô của việt kiều và du khách. Nhưng dân chúng cả nước thì mặc kệ thiệt hay giả, đêm giáng sinh năm nào cũng đón mừng vui vẽ vì không còn sợ VC pháo kích, khủng bố trong đêm hưu chiến thời VNCH. Đồng bào theo tiêu chuẩn là vui được phút nào thì cứ vui, chứ sống trong thiên  đường xã nghĩa, biết đâu mà mò chuyện ngày mai sắp tới kể cả chuyện " đổi tiền" có thể ập tới bất cứ lúc nào !..
          Xứ người mấy chục năm qua, đêm giáng sinh nào cũng nghe lại được những bài hát Đêm Đông, Đêm Thánh Vô Cùng, Mừng Chúa Giáng Sinh..khiến cho hồn thêm bâng khuâng cô quạnh, để càng thêm nhớ :

“ những người năm xưa ấy
giờ lưu lạc phương nào..?”

          Đêm nay giáng sinh lại về thật buồn, ta kẻ ngoại đạo một mình lang thang trên phố vắng người. Trên lầu cao, nhà ai tràn ngập ánh đèn màu và chập chùng tiếng nhạc giáng sinh thánh thoát, quyện theo gió xa đưa mùi hương huệ trắng thơm ngát ngào ngạt. Ôi đêm thánh vô cùng khắp trần gian, ta đón mừng với giọt nước mắt ly hương, lầm lũi trong đêm lạnh. :

“ Ta đã khóc dù hồn đâu có muốn
nhìn dòng đời hờ hững nhớ quê hương ..”

Xóm Cồn Hạ Uy Di
Mùa Giáng Sinh 2016
MƯỜNG GIANG