Sunday, September 4, 2016

Xem lại bức ảnh “The Napalm Girl”

Về Nick Ut, tên nhiếp ảnh gia Việt Nam đại phản chiến thân Cộng (hiện đang sống tại Los Angeles, năm 2015 đã về Việt Nam, và cùng với The Napalm Girl Kim Phúc, từ Canada, được lãnh bằng khen của Việt Cộng, nhờ công lao hãn mã tuyên truyền chống chiến tranh VN) nhiều bài báo đã viết, khen có, chê có, và tôi không muốn lặp lại ở đây. Vắn tắt như sau: Y là nhiếp ảnh gia của AP, giữa rất nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế khác tại Việt Nam, trong số có David Hume Kennerly –người đã được mời đến phát biểu, trong Hội Nghị Chiến Tranh Việt Nam (mà NLGO gọi là “Cóc Nhái”) tháng 4 năm nay tại Texas, cùng với Nick Ut, về “sức mạnh của hình ảnh”. Về tài nghệ, Ut là nhiếp ảnh viên thuộc hạng hai, không được nhắc nhở mấy, cho đến khi “chụp” được “The Napalm Girl” –bức ảnh đã mang cho y giải Pulitzer năm 1973. Tôi để “chụp” trong ngoặc kép, với nghĩa “may mà vớ được”, vì theo suy luận và cảm nghĩ cá nhân, dĩ nhiên chủ quan, tôi không tin “The Napalm Girl” của Nick Ut là bức ảnh chụp xác thực (authentic).
 
I. Bức ảnh đã được ráp nối ? 
      Ảnh cô bé Kim Phúc trần truồng là thật, cũng như bức ảnh những nhân vật khác (năm người lính và bốn em bé) là thật, nhưng có thể đã không được chụp trong cùng một không gian và thời gian, mà là hai bức riêng biệt. Phải chăng Kim Phúc được ráp vào từ một bức ảnh khác, khiến cô bé trở nên riêng lẻ, lạc lõng, nhưng lại rất nổi bật, trong một bối cảnh chung rất chìm, rất quen, không có gì làm độc giả xúc động? Nói cách khác, nếu không có Kim Phúc, bức ảnh sẽ rất bình thường, hoặc, tệ hơn, tầm thường. Vì sao?
a) Hậu cảnh (background) của bức ảnh chung (có Kim Phúc) là một vùng khói đen mịt mờ bởi bom Napalm do máy bay VNCH thả xuống một ổ VC tại Trảng Bàng năm 1972. Nhìn trên bức ảnh, đoạn đường từ vùng khói đó đến chỗ Kim Phúc khá xa. Trong khi bốn đứa trẻ khác mặc quần áo đường hoàng, thì, người ta có thể đặt câu hỏi, từ đâu và từ hướng nào, lại lọt vào hình ảnh của một Kim Phúc trần truồng như thế? Lại nữa, nếu cùng xuất phát từ một nơi, và từ một thời điểm, thì tại sao bốn em khác không bị phỏng, mà chỉ một mình Kim Phúc?
      b) Dáng vẻ của những người lính (không rõ mặt) bước phía sau, rất chậm rãi, bình tĩnh, nếu không muốn nói quá thản nhiên, như đi tuần tiễu. Vì họ đã quá quen với trận mạc, nên không sợ? Có lẽ. Nhưng trước cảnh một bé gái trần truồng bị phỏng, khóc lóc như thế, mà họ vẫn dửng dưng, tà tà bước theo, không chạy đến giúp đỡ, hoặc ít ra tò mò hỏi han, thì quả là vô cảm, chưa nói là tàn nhẫn –điều mà do kinh nghiệm cá nhân, tôi không bao giờ tin, bởi đã có biết bao trường hợp và hình ảnh cho thấy những người lính Mỹ và VNCH ra tay cứu giúp, bảo vệ thường dân khi họ gặp hoạn nạn.  
      c) Trong hình, nhìn từ góc độ gần nhất, Kim Phúc là người thứ hai, ở giữa, về mặt kỹ thuật và khoảng cách, phải thấp nhỏ hơn bé trai thứ nhất là đúng. Nhưng bé gái hàng thứ ba, mặc áo trắng, phía sau, thì lại cao lớn hơn, chụp rõ nét hơn, so với Kim Phúc (hàng thứ hai), thì hơi lạ và gây thắc mắc. Ấy là chưa nói hai cánh tay của Kim Phúc dài quá khổ so với thân hình của em và cánh tay của bốn em kia. Dị tật bẩm sinh, hay bởi lý do nào khác? Nhân tiện, xin nói thêm: Vấn đề ghép hình trong nhiếp ảnh là chuyện bình thường, đã có từ lâu. Lấy một ví dụ: bức ảnh Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh, tại Đại hội Cộng sản Tours, Pháp, tháng 12 năm 1920, đã được chứng minh là một bức ảnh ngụy tạo, hoặc ghép. Xin đọc quyển Les photos truquées, Un siècle de propagande par l’image, của Gérard Le Marec, Editions Atlas, Paris, 1985, tr. 93 (về HCM). Nhưng đó phải là một đề tài cho một bài khác.
      d) Trở lại Nick Ut. Theo tài liệu trên Web, lúc đầu AP không muốn phổ biến hình ảnh Kim Phúc trần truồng, nhất là ở phía thân trước –điều tối kỵ đối với AP vào năm 1972, bất luận tuổi tác, trai hay gái. Nhưng vì nhu cầu tuyên truyền, họ đã làm một luật trừ, với điều kiện không được phổ biến một “close-up” (gros plan) tức là một bức hình “chụp sát quá”, và riêng lẻ (“with the compromise that no close-up of the girl Kim Phuc alone would be transmitted”).
 
Chữ alone trong câu trích dẫn khiến tôi suy diễn rằng (1) nếu Kim Phúc đã “có mặt” trong bức ảnh chung (với bốn em khác) rồi thì AP còn lẩm cẩm đặt điều kiện ấy (alone) làm chi nữa: hoặc phổ biến toàn bộ bức ảnh, hoặc không phổ biến, thế thôi, và (2) Hay Nick Ut đã có một close-up của Kim Phúc, chụp một mình, alone, ở đâu đó và lúc nào đó, nhưng bị AP từ chối, bắt sửa lại và ghép vào một bức hình chung đã có sẵn cảnh khói mịt để hiệu quả tuyên truyền chống Mỹ và VNCH được mạnh thêm?
 
II. Bức ảnh đã được “đạo diễn” (dịch rộng chữ “fixed”, sửa đổi) ?
      a) Nếu chú ý, người ta sẽ thấy trên hai cánh tay trần, và bàn chân phải của Kim Phúc có những vết trắng lớn. Trong quyển We were there Viet Nam (Eyewitness Battlefield stories, edited by Hal Buell, Tess Press, 2007, khổ lớn), tr. 249, có đăng bức hình “The Napalm Girl” chiếm hết hai trang, và ở một góc nhỏ trang 2, hình của Kim Phúc cũng trần truồng (chụp từ phía lưng), được một tốp lính khác bên đường cứu chữa tạm thời, và để lại những vết thuốc trắng trên lưng, giống như trên tay chân trong bức ảnh của Nick Ut. Nghĩa là Kim Phúc đã được chữa bỏng trước rồi (chứ không phải sau này, theo tài liệu, được Nick Ut chở vào nhà thương), và có thể được tốp lính cho nhập bọn với bốn đứa trẻ đang đi ngang? Dưới sự đạo diễn của nhiếp ảnh gia Nick Ut? Nếu không, làm sao cắt nghĩa những vết trắng có trong bức ảnh do y “chụp”? Lại nữa, không phải tình cờ mà Kim Phúc “được” chạy ở vị thế giữa, tức trung tâm (với cả hai nghĩa đen và bóng) trong khi bốn em khác đều chạy tạt qua hai mép đường? Tôi còn đi xa hơn để nghi ngờ rằng sự hoảng hốt của bé trai hàng đầu đang khóc, cũng như của Kim Phúc, hàng thứ hai, cũng đã được “đạo diễn” –khác với bé gái hàng thứ ba, có vẻ bình tĩnh hơn, và hai bé trai nhỏ, không khóc tí nào (tại sao?). Quả thế, các em, nhất là Kim Phúc, đã thoát xa địa điểm dội bom, dưới sự bảo vệ của những người lính đi phía sau, thì mức độ cảm xúc và sợ hãi của các em sẽ phải giảm xuống, không còn hoảng sợ quá đáng như trên gương mặt bé trai hàng đầu và Kim Phúc hàng thứ hai (đã được chữa bỏng).
      b) Cũng trên trang Web, Tổng thống Nixon đã nghi ngờ tính chất xác thực (veracity) của bức hình, và thắc mắc không biết nó có bị “fixed” không, nhưng bài báo không nêu chi tiết cụ thể. Dĩ nhiên, khi một tổng thống nghi ngờ là phải có đủ lý do, phải có ý kiến và bằng chứng của các phụ tá và chuyên viên nhiếp ảnh. Biết được việc này, Nick Ut đã gân cổ trả lời, một cách tự cao tự đại, đại khái, trong bức hình đó, y nói, “một trong những bức hình đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ 20, Kim Phúc là bé gái có thật, bằng xương bằng thịt”. Không ai chối cãi sự thật ấy, nhưng Nixon chỉ muốn nói bức hình có thể đã bị  “fixed”, chứ không phải Kim Phúc là người... ma. Đơn giản thế thôi.
      c) Tại hội nghị Texas, Nick Ut và David Hume Kennerly đã huênh hoang đề cao “sức mạnh của hình ảnh”. Mỉa mai thay, đa số những hình ảnh chiến tranh của những nhiếp ảnh gia tại Việt Nam, như bức hình do Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn, năm 1968, hay bức hình của Kim Phúc năm 1972, đã bị triệt để lợi dụng bởi tập đoàn “kẻ cướp và bà già”: (1) phong trào phản chiến tại Mỹ và trên thế giới, (2) chính quyền Nixon, và (3) Việt Cộng. Đó có phải là sức mạnh tự nó thật, hay chỉ là một phương tiện lừa bịp của bọn bất lương được dàn dựng một cách rẻ tiền và vô luân (biến một bé gái nạn nhân chiến tranh đáng thương, Kim Phúc, thành một công cụ tuyên truyền trắng trợn)?
      Còn nữa. Người ta không thấy một bức hình nào được bọn này chụp hay phổ biến rộng rãi về tội ác của VC trong vụ chúng tấn công Huế dịp Tết Mậu Thân 1968, hoặc pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, ngay sau khi Hiệp định được ký kết, đầu năm 1973. Tại sao? Như thế, rõ ràng, Nixon, và tay sai Kissinger và những chính trị gia đồng lõa với bọn phóng viên, nhà báo, nhiếp ảnh gia (mà Nick Ut là một), báo chí Mỹ, Âu Châu và cả thế giới, đã bán rẻ lương tâm, đồng loạt nhắm mắt lên án nạn nhân, VNCH, thay vì thủ phạm, Việt Cộng.

Portland, 1/9/2016
NLGO
Nick Ut (đầu tiên từ phải) trong chuyến về VN tháng 6, 2015

Phan Thị Kim Phúc, cô gái nạn nhân trong bức hình The Napalm Girl,
đã trở thành công cụ tuyên truyền hăng say cho VC
 
Nick Ut đứng trước bức ảnh The Napalm Girl, trong cuộc triển lãm
năm 2007 tại Hà Nội
 
Ghi chú của NLGO:
Những bức ảnh kèm theo bài (trừ bức #2 lấy từ sách Mỹ) được trích từ bài của tác giả Đức Hồng, “Có gì để tự hào về bức ảnh Em bé Napalm?” từ Sài Gòn gửi cho BBC (đăng trong Nguyệt San Việt Nam, online, thứ năm 18/6/2015).

No comments:

Post a Comment