Thứ Năm vừa
qua, một người ngưỡng mộ Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã thất bại trong
cuộc bầu cử Quốc Hội ở Hòa Lan. Ðảng của ông Geehrt Wilders chỉ chiếm
được 20 ghế, thua đảng của Thủ Tướng Mark Rutte với 33 ghế, hai đảng
khác cùng được 19 ghế trong Quốc Hội sắp tới.
Bản
tin này có thể không đáng chú ý, nếu không có Dân Biểu Steve King ở Mỹ,
người đã ca ngợi ông Geehrt Wilders trước ngày dân Hòa Lan bỏ phiếu.
Ông Steve King, một đại biểu tiểu bang Iowa, đã ngợi khen rằng “Ông
Geehrt Wilders hiểu số mạng chúng ta là do văn hóa và dân số quyết
định,… Không thể phục hồi nền văn minh của chúng ta với những đứa trẻ
con của người khác!”
Thông
điệp gửi qua qua mạng xã hội Twitter của ông King nghe rất khó hiểu nếu
chúng ta không biết Wilders đã nói những gì; không biết chữ “chúng ta”
trong câu này là ai; không biết tại sao vấn đề dân số lại được hai người
đề cao; và không biết ông King muốn nói gì khi nhắc đến “con trẻ
(babies) của người khác.”
Khi
hiểu rõ thông điệp của ông King thì nhiều người Mỹ thấy bất ổn, những
người không thuộc giống da trắng đang sống ở Mỹ phải lo ngại về đời sống
và an ninh của chính mình. Vì vậy, cần phải giải thích đầy đủ câu
chuyện này.
Ông
Geehrt Wilders nổi bật trên chính trường Hòa Lan vì ông lớn tiếng chống
di dân, đặc biệt là bài xích các di dân và những người Hòa Lan theo Hồi
Giáo. Widers nói các tín đồ Hồi Giáo đều là “quân khủng bố” và ông ta
yêu cầu mọi người phải lo lắng cho tương lai nước ông và nền văn minh
của Châu Âu, số phận cả hai đang bị đe dọa ngay trên chính mảnh đất của
mình vì những di dân thuộc các nền văn hóa khác. Mối đe dọa đó phát xuất
từ những người khác chủng tộc, khác tôn giáo vào sống ở Hòa Lan. Mối đe
dọa này trở thành cấp bách, cần được báo động, vì các công dân mới của
nước Hòa Lan lại sanh con đẻ cái nhiều hơn các gia đình da trắng. Trong
tương lai, những người “ngoại quốc” đó sẽ tràn ngập trong dân số Hòa
Lan! Geehrt Wilders đề cao giống người da trắng, muốn nước ông mãi mãi
là quốc gia của người da trắng theo Thiên Chúa Giáo.
Trong
cuộc tranh cử vừa qua ở Hòa Lan, Wilders kêu gọi cấm di dân theo Hồi
Giáo, và “xóa ảnh hưởng Hồi Giáo” ở nước ông, cấm phổ biến kinh thánh
Kuran. Tháng Mười Hai năm ngoái, ông ta đã bị tòa án kết tội cổ động óc
kỳ thị, sau khi ông đọc một bài diễn văn nẩy lửa chống những người Hòa
Lan gốc từ nước Maroc ở Bắc Phi, mà ông tố cáo có “đầy những tên vô lại
Maroc.” Ðó cũng là thời gian tranh cử ở Mỹ, ông Donald Trump đã nổi bật
lên với những lời tố cáo những người từ Mexico đến toàn là bọn sát nhân,
trộm cướp và hãm hiếp. Ông Geehrt Wilders đã bắt chước khẩu hiệu của
ông Trump, hô hào “Làm Hòa Lan Vĩ đại trở lại!” Ông Wilders kêu gọi:
“Ngày 15 Tháng Ba năm 2017, chúng ta sẽ lấy lại nước Hòa Lan cho người
Hòa Lan!” (Nederland teruggeven aan de Nederlanders).
Vì
vậy, khi Dân Biểu Steve King tỏ ý hoan hô ông Wilders, chúng ta phải
hiểu đằng sau là chủ trương đề cao chủng tộc và tôn giáo của ông
Wilders. Ông King coi chỉ có ông Wilders hiểu tầm quan trọng của “văn
hóa” và “dân số;” đó là những thông điệp chính trong lý thuyết đề cao
giống người da trắng của Wilders.
Nhưng
ông King trình bày ý kiến của mình một cách khéo léo. Những lời ông
King nói trên Twitter và trên đài truyền hình hoàn toàn đúng nếu giải
thích theo “nghĩa đen.” Ông King chống việc phá thai, mà rất nhiều người
Mỹ cũng đồng ý. Ông nói, “Từ năm 1973 đến nay, có 60 triệu hài nhi
(babies) ở nước Mỹ đã bị phá thai.” Và ông lý luận rằng người ta muốn
“lấp đầy” khoảng trống đó bằng các “hài nhi của người khác.” Những người
khác đó là ai? Ông để cho người nghe tự hiểu, nghĩ rằng đó là những
người di cư đến nước Mỹ từ các chủng tộc và tôn giáo khác. Thực ra không
có gì chứng tỏ rằng những phụ nữ phá thai ở Mỹ đều là người da trắng,
hoặc số lớn là người da trắng.
Nhưng
ông King cũng chỉ là một trong nhiều nhà chính trị ở các nước Châu Âu
và ở Mỹ đang dùng “quân bài chủng tộc” để “kiếm phiếu.” Họ thấy cơ hội
có thể lợi dụng mối lo lắng của người da trắng, một mối lo có thực do
tình trạng các xã hội Tây phương. Số dân da mầu từ khắp thế giới di cư
đến Mỹ và các nước Châu Âu ngày càng đông hơn. Họ thường sinh đẻ nhiều
hơn. Họ theo những tôn giáo và có những phong tục, tập quán khác lạ. Năm
1965 có 85% người Mỹ thuộc giống da trắng, nay chỉ còn chiếm 60%. Trong
mươi năm nữa, số người da trắng ở tiểu bang California sẽ thấp hơn tổng
số những người da mầu khác. Chỉ có 23% người Mỹ tin rằng tình trạng
chủng tộc đa tạp là điều tốt cho nước Mỹ, còn 42% nghĩ rằng đó là một
điều xấu.
Trong
tình trạng đó, nhiều người Mỹ, người Hòa Lan, người Anh hay người Áo
quốc cảm thấy lo lắng, đó là điều hợp lý. Trong số những người đang lo
lắng đó, có một số nhỏ mang óc kỳ thị, chủng tộc và tôn giáo, điều này
không tránh được. Các nhà chính trị đã khơi dậy mối lo của thiểu số này,
tìm cách tự giới thiệu mình là đại biểu của các người đề cao “dân tộc
cực đoan” quá khích đó, nhờ lá phiếu của họ để đắc cử.
Ngoài
ông Wilders, người nổi bật nhất trong đám chính trị gia này là bà
Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống Pháp của Mặt Trận Dân Tộc (Front
National). Ðảng này có thể chiếm số phiếu lớn nhất nhì trong cuộc bỏ
phiếu sắp tới ở Pháp, giống như Wilders; nhưng khó thắng trong vòng bỏ
phiếu thứ nhì. Tại Ðức, bà Frauke Petry, lãnh tụ của đảng cực hữu AfD đã
từng liên kết với Wilders không có hy vọng. Tại nước Áo, ông Norbert
Hofer vận động tranh cử với khẩu hiệu “Nước Áo Trên Hết!” nhưng đã thua
với tỷ số 54%-46%. Phong trào này lên cao khắp Châu Âu vì nhiều người lo
ngại trước làm sóng tị nạn từ các nước Trung Ðông và Bắc Phi; mối lo
còn lớn hơn tâm lý chống di dân Mexico ở Mỹ. Wilders và Hofer đều coi
hiện tượng Donald Trump ở Mỹ là điều khích lệ cho họ. Bà Marine Le Pen
đã tuyên bố rằng năm 2017 sẽ là năm các dân tộc ở Châu Âu “thức dậy!”
Các
chính trị gia Châu Âu này, cũng như ông Steve King ở Iowa, chỉ nói lớn
tiếng những điều mà nhiều người da trắng khác lo thầm trong bụng nhưng
không dám nói ra. Tháng Mười năm ngoái, ông King là đại biểu Quốc Hội Mỹ
đầu tiên gặp bà Marine Le Pen, tại trụ sở đảng của bà. Trong lần gặp
thứ nhì, ông tuyên bố rằng hai người chia sẻ những “giá trị” chung. Bà
Le Pen cũng bay qua Mỹ thăm Trump Tower sau khi Tổng Thống Trump đắc cử.
Những
người đang sống ở nước Mỹ nhưng không có nước da màu trắng phải lo lắng
trước những lời khích động này. Chúng ta phải đề phòng, vì những lời
ông King nói có thể tạo ra những hậu quả nguy hiểm cho mọi người có nước
da mầu vàng, da nâu nâu, kể cả con cháu chúng ta sau này nếu không biến
thành người da trắng.
Sau
khi ông King “tuýt” những lời ca tụng ông Wilders, một lãnh tụ của tổ
Ku Klux Klan là chức David Duke đã “tuýt” lại lời “Cầu nguyện Thượng Ðế
phù hộ Steven King!” Tổ chức Ku Klux Klan, nay đã bị giải tán, xuất phát
từ phong trào bạo động chống việc trả tự do cho người nô lệ da đen, tới
nay vẫn là biểu tượng cho tinh thần kỳ thị chủng tộc. Phong trào “Da
Trắng Siêu Việt” (white supremacists) coi những lời ông King nói là cổ
vũ tư tưởng của họ.
Khi
những người đóng vai lãnh đạo trong guồng máy chính trị nước Mỹ bày tỏ
những ý kiến có khuynh hướng đề cao chủng tộc, họ đã cố ý khích động và
đề cao các phần tử cực đoan trong xã hội Mỹ. Những tay quá khích thấy
rằng tư tưởng kỳ thị chủng tộc của họ đã được nói ra công khai, trở
thành một khuynh hướng chính trị khả kính. Chúng ta không quên rằng
trong lịch sử có những người như Benito Mussolini ở nước Ý, Adolph
Hitler ở Ðức với chính sách kỳ thị chủng tộc, đã nắm quyền hành nhờ lá
phiếu, và họ đã trở thành những nhà độc tài gây tai hại cho các nước
này.
Ðây
là lúc những người Mỹ da vàng, da nâu, da đen phải lên tiếng bác bỏ
những luận điệu kỳ thị, chứng tỏ rằng các di dân đang đóng góp vào nền
văn minh của nước Mỹ, cũng như đã đóng góp vào đời sống kinh tế của quê
hương mới của họ. Trong những cuộc bàu cử sắp tới, các người Mỹ gốc Châu
Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh phải dồn phiếu ủng hộ các nhà chính trị
có tư tưởng bao dung, khoáng đạt. Ðó là phương pháp duy nhất để tự bảo
vệ lấy mình và con cháu mình.
Ngô Nhân Dụng
Những tên nầy có ý nghĩ giống tên độc tài phát xít Hitler
ReplyDelete